MẶT TRẬN, NHÓM, ĐẢNG, PHONG TRÀO
Về chánh trị, có nhiều người vẫn chưa phân biệt rõ thế nào là nhóm,
đảng, tổ chức, phong trào.
Nhóm là một số ít người họp nhau lại cùng làm một công việc nhằm
một mục đích chung. Thí dụ : Nhóm Y, X, Z dùng tờ báo A, B, C để cổ
động lòng yêu nước, chống quan liêu và thực dân – Nhóm Nam Phong,
nhóm Ngày Nay, nhóm Tiểu Thuyết thứ bảy…
Tổ chức có thể coi là nhiều nhóm, nhiều bộ phận họp thành đoàn thể.
Thí dụ : đảng Xã Hội là tổ chức tối cao của giai cấp công, nông.
Tổ chức sau khi đã thành rồi, phát động những phong trào, thí dụ
phong trào bình dân, phong trào đời sống mới. Phong trào là tình hình đấu
tranh theo một tác phong, nhằm một mục đích đã vạch sẵn. Phong trào, do
đó có một nghĩa rộng là một tổ chức đấu tranh nhằm một lối sống, một mục
tiêu đã ấn định.
Mặt trận lớn hơn tổ chức. Mặt trận là một tổ chức liên minh các giai
cấp hoặc các nước cùng chí hướng, để chiến đấu cho một ý thức hệ, chống
kẻ thù chung. Thí dụ : Hồi 1945, ở nước ta các đoàn thể liên hiệp với nhau
trong Mặt trận Tổ Quốc để đánh Pháp, giành độc lập.
Trong khi mặt trận là một tổ chức liên minh nhiều giai cấp khác nhau,
đảng là một tổ chức của một giai cấp gồm những phần tử giác ngộ về giai
cấp của mình, đưa giai cấp ấy ra làm chánh trị để giành lấy thắng lợi cho
giai cấp ấy.
Nhân nói đến đảng, ta cũng nên biết mấy danh từ như đảng bộ, đảng
cương, đảng đoàn, đảng phong, đảng tịch, đảng tính, đảng tổ, đảng tranh,
đảng trị.
Đảng bộ là cơ quan của đảng như chi bộ, huyện bộ, tỉnh bộ và trung
ương.