BẢN CHẤT, BẢN NĂNG, BẢN LĨNH
Có nhiều người nói và viết – nhất là các ông hay lên tiếng với đồng
bào quốc dân – thường lẫn lộn bản chất, bản năng và bản lĩnh. Họ nói «
Người Việt Nam bản năng thực thà » hay « Người Việt Nam đều có bản
lĩnh đáng để cho người Mỹ khâm phục ». Nói như thế là nói liều vì ba chữ
bản lĩnh, bản năng và bản chất hoàn toàn có ý nghĩa khác nhau.
Bản chất là chất đặc biệt vốn có ở mỗi người, sự vật để thành những
nét đặc biệt của người hay vật ấy. Ví dụ ta nói : « Anh ấy bản chất nóng nảy
» là ý nói anh ấy do vấn đề cấu tạo sinh lý sao đó (gan, mật, thần kinh
v.v…) nên tính tình thường xuyên nóng nảy, khác hẳn những người khác.
Bản năng (cũng còn kêu là thiên năng) là tính tự nhiên, không cần phải
học tập mà cũng không phải do ảnh hưởng mà có. Ví dụ : bơi lội là bản
năng của loài cá. Bản năng của loài người là mới đẻ ra đã biết bú, đến tuổi
cập kê thì tự nhiên biết tình ái, yêu đương… Bản năng không thể thực thà
được, phải nói là bản chất.
Còn bản lĩnh thì có nghĩa là tài lực, kỹ năng. Bản lĩnh không thể tự
nhiên mà có, nhưng có được là nhờ trí thông minh và sự điêu luyện, học
tập. Nói rằng toàn thể người Việt Nam đều có bản lĩnh cao, đáng để cho
người Mỹ khâm phục là nói láo. Nước nào cũng chỉ có một số người có bản
lĩnh cao thôi, chớ không thể là vấn đề của toàn thể nhân dân được.