* * *
Công trình đã xây cất xong, cuộc tàn sát đã kết thúc, tất cả đã tĩnh lặng.
Người bình thường phải đối mặt với sự tàn khốc ghê gớm sẽ suy sụp
hoàn toàn hoặc sẽ tê liệt không biết gì nữa. Người bị tác động để có ý chí cải
tạo hiện thực luôn là thiểu số.
Yamashita Tsuneteru không thuộc nhóm người ít ỏi ấy. Sự nhiệt tình
đối với sự nghiệp đã lựa chọn khiến đầu óc anh bị tê liệt. Anh thậm chí đã
tham gia nhiều vụ giải phẫu cơ thể sống. Sự thật là, trong đơn vị “bộ đội bí
số 429”, ở dưới kiến trúc ngầm này, người có kiến thức bệnh lý học và giải
phẫu học vững nhất, có “tay dao” cừ nhất, chính là Yamashita Tsuneteru với
dáng vẻ rất thư sinh trí thức.
Anh đã thật sự tê liệt. Những “súc gỗ” (cách gọi lúc đó) ấy giãy giụa,
thét gào, những ánh mắt phẫn nộ và oán hờn đều trở thành “rác thải y tế”
trước thứ tình cảm cạn kiệt trơ lỳ sau khi người ta đã “nhìn mãi rồi quen
mắt”.
Yamashita Tsuneteru là một tài năng nổi bật sắp được trung tướng Ishi
Shiro cất nhắc. Trước khi đến Giang Kinh, anh đã kiến tập ở các phân đội
khác, và nhận ra rằng các nghiên cứu của “bộ đội bí số 429” nửa năm qua và
các đơn vị chiến tranh vi trùng – chiến tranh hóa học như “chi đội Bắc
1855” ở Bắc Kinh, “bộ đội 1644 chữ Vinh” ở Nam Kinh chẳng khác nhau là
mấy. Họ nghiên cứu các diễn biến bệnh tật sau khi cấy vi trùng vào cơ thể
người. Kuroki Katsu và Yasuzaki Munemitsu đều không đề cập với
Yamashita Tsuneteru về “bí mật” của “bộ đội bí số 429” là ở đâu.
Cho đến mùa thu năm ấy.
* * *
Đó là một ngày giữa thu âm u, Yamashita Tsuneteru đã làm việc liền
vài giờ, anh muốn hưởng chút ánh sáng tự nhiên, bèn khoác áo rồi lên trên
mặt đất hít thở làn không khí ẩm và lạnh. Anh nhìn thấy bầu trời nhưng
không thấy mặt trời, vì trên này mưa đang giăng giăng che lấp.