- Mối lo âu về địa vị bị kích thích bởi những yếu tố như sự suy
thoái, thất nghiệp, những cuộc thăng tiến, việc về hưu, những cuộc
chuyện trò với đồng nghiệp cùng ngành, các lược tả trên báo chí về
thành công nổi bật và lớn lao hơn của bạn bè. Giống như việc thú nhận
lòng đố kỵ (thứ có liên quan đến cảm xúc đó), có thể khinh suất về
mặt xã hội khi để lộ mức độ của bất cứ nỗi lo âu nào và, bởi thế,
chứng cứ cho bi kịch nội tâm là điều hiếm thấy, mà thường chỉ hạn
chế ở một ánh nhìn đăm đăm, một nụ cười dễ vỡ hay một quãng lặng
dài hơn cần thiết khi đọc tin về thành tựu của người khác.
- Nếu vị trí của chúng ta trên bậc thang là chủ đề cho một mối
quan tâm như vậy, là bởi sự tự nhận thức của ta quá phụ thuộc vào
những gì người khác nghĩ về mình. Trừ vài cá nhân hiếm hoi
(Socrates, Jesus), chúng ta dựa vào các dấu hiệu tôn trọng từ thế giới
bên ngoài để cảm thấy khoan dung với bản thân mình.
- Nhưng đáng tiếc hơn, địa vị thật khó đạt được và để duy trì suốt
cuộc đời thì còn khó hơn nữa. Ngoại trừ trong những xã hội nơi địa vị
được ấn định từ lúc sinh ra và trong huyết quản ta là dòng máu quý
tộc, vị trí của chúng ta neo vào những gì ta có thể đạt được; và chúng
ta có thể thất bại do ngu ngốc hay thiếu sự tự tri, do kinh tế vĩ mô hay
sự ác ý.
- Và thất bại sẽ đẩy đưa đến nỗi ô nhục: một nhận thức gặm nhấm
rằng chúng ta đã không thể thuyết phục được thế giới về giá trị của ta
và vì thế buộc lòng phải nhìn vào người thành công với nỗi cay đắng
và bản thân ta với sự hổ thẹn.
LUẬN ĐỀ
- Nỗi lo âu về địa vị đó có một khả năng khác thường là khơi gợi
nỗi buồn khổ.
- Khao khát về địa vị, giống như mọi thèm muốn khác, đều có ích
dụng của nó: thôi thúc ta đem lại công bằng cho các tài năng của
mình, khuyến khích sự ưu tú, ngăn chúng ta không sa vào những thói
lập dị có hại và gắn kết các thành viên của xã hội vào một hệ giá trị