“Tôi nhớ mình đã nghĩ họ thật ác độc. Tôi sẽ đối đầu với họ. Tôi sẽ tái phạm
cho mà xem, chỉ có điều lần tới tôi sẽ không để bị bắt quả tang đâu.”
Khi những phụ huynh càng chia sẻ, thì họ càng nhận ra rằng trừng phạt sẽ
dẫn đến những cảm xúc căm ghét, thù hằn, phẫn nộ, tội lỗi, không xứng đáng,
tự ti. Tuy nhiên, họ vẫn lo lắng:
“Nếu tôi từ bỏ trừng phạt, thì liệu có phải là tôi đang đặt đám con mình vào
ghế của tài xế?”
“Tôi sợ sẽ mất đi phương pháp kiểm soát cuối cùng, chỉ còn lại sự bất lực.”
Tôi hiểu mối lo ngại của họ. Tôi nhớ mình đã hỏi tiến sĩ Ginott, “Vào thời
điểm nào thì việc trừng phạt đứa trẻ phớt lờ hoặc phản kháng cha mẹ là đúng
đắn? Trừng phạt có nên là kết cục cho đứa trẻ cư xử kém?”
Tiến sĩ đã trả lời rằng: Trẻ em nên trải nghiệm những hậu quả của việc cư xử
kém của chúng, nhưng không phải là trừng phạt. Ông cảm thấy rằng trong một
mối quan hệ yêu thương chăm sóc nhau thì không có chỗ cho sự trừng phạt.
Tôi chất vấn ông, “Nhưng giả sử đứa trẻ vẫn tiếp tục không nghe lời cha mẹ.
Khi đó thì trừng phạt nó có là hợp lý?”
Tiến sĩ Ginott trả lời rằng vấn đề của trừng phạt nằm ở chỗ nó không có tác
dụng, đó chỉ là một hình thức gây xao nhãng, và thay vì trẻ cảm thấy hối lỗi
cho những gì nó đã làm và nghĩ đến việc chỉnh sửa, sửa chữa như thế nào đó,
thì nó lại bận tâm với những ý tưởng trả đũa. Nói cách khác, bằng cách trừng
phạt trẻ, chúng ta thật sự tước đoạt của nó quy trình rất quan trọng, quy trình
diễn biến nội tại đối mặt với hành vi cư xử kém cỏi của chúng.
Chiều hướng suy nghĩ cho rằng “Trừng phạt không có tác dụng bởi vì nó là
hình thức gây xao nhãng” rất mới mẻ đối với tôi. Nhưng nó khiến tôi nảy sinh
một câu hỏi khác. Vậy, thay cho trừng phạt, tôi nên làm gì?