Những từ liệt kê ở trên không có gì là thần thánh hoặc là khuôn mẫu gì cả,
và xin khẳng định, không hề có câu trả lời đúng hoặc sai. Điểm mấu chốt là tìm
ra một từ mà nói cho trẻ điều gì đó về chính nó mà có thể trước kia nó không
biết – cung cấp cho trẻ một bức ảnh chụp nhanh, mới mẻ bằng lời nói về chính
nó.
“Khả thi” – đó là những gì cá nhân tôi cảm nhận về cách khen ngợi này. Vấn
đề ở đây là thật sự quan sát, thật sự lắng nghe, thật sự để ý và rồi nói rành rõ,
chi tiết ra những gì bạn thấy hoặc cảm thấy.
Người ta có thể tự hỏi làm thế nào mà một quy trình đơn giản như vậy lại có
tác dụng sâu sắc như thế. Song, ngày nối tiếp ngày từ những mô tả nho nhỏ đó
của chúng ta mà con cái chúng ta học biết được những ưu điểm của chúng là gì:
Có trẻ thì nhận ra mình có thể dọn dẹp căn phòng lộn xộn và biến nó thành
một căn phòng gọn gàng, ngăn nắp; đứa trẻ khác biết mình có thể làm ra một
món quà hữu ích, mang lại niềm vui cho mẹ của nó; lại có đứa trẻ có khả năng
thu hút khán thính giả; đứa khác nữa thì biết làm thơ lay động lòng người; lại
có trẻ có khả năng đúng giờ; rồi có trẻ biết dồn nghị lực vào bài tập về nhà; có
trẻ bộc lộ óc sáng tạo; có đứa lại tháo vát, có tài xoay xở. Tất cả những điều ấy
nạp dần vào ngân hàng cảm xúc của trẻ và không thể bị xóa mờ đi. Người ta có
thể xóa đi “đứa trẻ ngoan” bằng cách gọi nó là “đứa trẻ hư” vào hôm sau.
Nhưng người ta không thể tước khỏi nó thời điểm nó tặng mẹ tấm thiệp chúc
mẹ mau khỏi bệnh hoặc thời điểm nó chăm chú và kiên nhẫn với bài học của
mình cho dù rất mệt.
Những khoảnh khắc mà những điều tốt nhất của trẻ được khẳng định sẽ trở
thành những tiêu chuẩn, chuẩn mực suốt cuộc đời trẻ, mà trẻ có thể dựa vào đó
trong những lúc nó thất vọng và nản chí. Trong quá khứ nó đã làm được việc gì
đó khiến nó tự hào. Và nó sẽ luôn luôn mong muốn lặp lại điều ấy trong tương
lai.
BÀI TẬP