Chương 8. Nguồn gốc nỗi lo của trẻ:
Mang đến sự an toàn về tình cảm
Các bậc cha mẹ hiểu rằng mỗi đứa trẻ đều có những nỗi sợ hãi và lo âu riêng.
Thế nhưng, điều họ không hiểu là nguồn gốc của những lo sợ này. Họ thường
hỏi: “Tại sao con tôi lại hay tỏ ra sợ hãi như vậy?” Một người cha còn đi quá
xa khi nói với cậu con trai của mình: “Hãy dừng ngay điều vô lý đó lại. Con
biết là con không có gì phải sợ cả!”
Có thể sẽ hữu ích nếu điểm qua những căn nguyên của sự sợ hãi ở trẻ và đưa
ra một vài giải pháp để đối phó với chúng.
Lo sợ bị bỏ rơi: Làm yên lòng trẻ bằng sự chuẩn bị kỹ càng
Nỗi sợ hãi lớn nhất của một đứa trẻ là bị cha mẹ bỏ rơi và không được yêu
thương. Như John Steinbeck đã mô tả trong cuốn tiểu thuyết Phía Đông vườn
Địa đàng của mình: “Sự sợ hãi lớn nhất mà một đứa trẻ phải trải qua là việc
mình không được yêu thương. Bị chối bỏ là địa ngục khiến trẻ lo sợ… Và
cùng với sự chối bỏ là nỗi oán giận, cùng với nỗi oán giận là những tội ác của
sự trả thù… Một đứa trẻ, bị từ chối tình yêu mà nó khao khát, sẽ đá một con
mèo và che giấu bí mật tội lỗi của mình; một đứa khác ăn trộm để tiền giúp
mang tới tình yêu thương; đứa thứ ba sẽ chế ngự cả thế giới – luôn luôn là tội
ác, trả thù và lại chất chồng tội ác.”
Không bao giờ được dọa bỏ rơi một đứa trẻ. Kể cả khi đùa cũng như khi tức
giận, không bao giờ được cảnh báo rằng trẻ sẽ bị bỏ rơi. Đôi khi chúng ta vô
tình nghe được một ông bố hay bà mẹ thét lên với đứa con lề mề của mình
một cách bực tức ngay trên phố hoặc trong siêu thị: “Nếu con không nhấc
bước ngay lập tức, mẹ sẽ bỏ con ở lại đây.” Một tuyên bố như vậy sẽ khơi dậy
nỗi lo sợ bị bỏ rơi vốn vẫn ẩn nấp đâu đó trong tâm hồn trẻ. Nó thổi bùng lên
ngọn lửa của những tưởng tượng bị bỏ lại một mình trên thế giới này. Khi trẻ
lề mề quá mức cho phép, cách tốt nhất là chúng ta nắm lấy tay chúng và kéo
đi chứ đừng đe dọa bằng những lời lẽ như vậy.
149