câu chuyện đời ta mất đi sự liền mạch – “cấu trúc bên trong giúp chúng ta dự
đoán cũng như điều tiết những hành động và cảm xúc trong tương lai nhằm tạo
ra cảm giác ổn định về bản thân”, như nhà trị liệu Anna Fels định nghĩa. Trong
một bài báo mô tả những tác động xói mòn của những hình thức phản bội trong
một mối quan hệ, bà cho rằng “có lẽ cướp đi câu chuyện của một ai đó chính là
sự phản bội to lớn nhất”.
Ẩn đằng sau việc ta điên cuồng muốn tỏ tường mọi ngóc ngách của chuyện
ngoại tình chính là nhu cầu muốn đan dệt lại tấm thảm của đời mình cho nó thật
liền mạch, chặt chẽ. Chúng ta là những sinh vật luôn truy tìm ý nghĩa cuộc sống
và do đó chúng ta cần đến sự liền lạc. Những cuộc truy vấn người đã phản bội
mình, những khi ta hồi tưởng, suy tư xoay vòng và cảnh giác cao độ – đều là
những biểu hiện của việc ta đang cố nối lại câu chuyện cuộc đời đã bị rời rạc của
mình.
Cô Gillian nói: “Tôi thấy tan nát quá. Tâm trí tôi cứ chạy tới rồi lui, quét
suốt dòng thời gian, điều chỉnh các ký ức và chèn tất cả những điều mới tìm thấy
vào nơi hợp lý để mọi thứ khớp với thực tế”.
Anna Fels sử dụng hình ảnh “màn hình song song” để mô tả điều này, tức
một người vừa liên tục nhìn lại cuộc sống họ đã từng sống, vừa nhìn vào một
cuộc sống mới vừa bị phơi bày khi chuyện ngoại tình bị bại lộ. Cảm giác bị cô
lập trườn vào tâm trí. Họ cảm thấy xa lạ với người bạn đời và với cả chính mình.
Cuộc khủng hoảng sự thật này được nắm bắt một cách cay đắng trong phim
Love Actually (tạm dịch: Tình yêu thật sự). Nhân vật Karen (do Emma Thompson
thủ vai), rút vào phòng ngủ để nghiền ngẫm việc cô đã phát hiện sợi dây chuyền
vàng cô thấy chồng mình mua không nằm trong hộp quà Giáng sinh anh vừa tặng
cô. Món quà cô nhận được là CD của Joni Mitchell. Trong khi cô đang thẫn thờ
nghe đĩa CD thì cảnh cắt về cô thư ký trẻ trung của anh chồng mặc bộ đồ ngủ
khiêu gợi, đeo sợi dây chuyền vàng vào. Rồi màn ảnh cắt trở lại cảnh Karen đang
đẫm lệ xem những bức ảnh gia đình đặt trên bàn trang điểm, trong tiếng hát của
Joni “It’s love’s illussions I recall/ I really don’t know love at all” (tạm dịch: Đấy
chỉ là ảo giác tình yêu/ Em thật sự chẳng biết tình yêu là gì).
Màn hình song song của cô Gillian thường có nội dung “người lớn”. Cô nói:
“Tôi cứ nghĩ đến chuyện quan hệ tình dục của vợ chồng tôi và chuyện quan hệ
tình dục giữa chồng tôi và cô ta. Cơ thể tôi, cơ thể cô ta. Đôi tay mà tôi từng hết
mực yêu thương đang ve vuốt một bàn tay khác, đôi môi kia trên môi cô ta. Anh ở