Trang Tử viết: “Hữu nhân chi hình, vô nhân chi tình”. Ý là chúng ta chỉ
cần có hình dáng con người là được, không cần phải có thất tình lục dục
của con người. Vô tình không phải là không có tình, mà là không có tình
cảm thế tục. Người vô tình không có gì phải e sợ, nên có thể sống hoàn hảo
cả đời. “Tình” là nguồn gốc của đau khổ, cũng là nguồn gốc của hạnh
phúc. Cho nên, thứ đầu tiên mà người xuất gia phải cắt đứt chính là “tình”.
“Mọi thứ có tình, tất không vấn vương”.
“Đa tình” là đem tình cảm dành cho người của mình chuyển hóa thành
tình cảm dành cho người trong thiên hạ, đây là một quá trình khó khăn. Bởi
vì người trần mắt thịt chúng ta luôn đặt tình yêu bản thân lên hàng đầu,
chưa lo xong cho mình thì khó mà nghĩ đến người khác, thậm chí một số
người sau khi được hạnh phúc cũng không màng đến sự sống chết của
người trong thiên hạ.
Người đời đều nhấn mạnh bản thân sống vì một chữ tình, nhưng chữ
“tình” này có rất nhiều hàm nghĩa và mỗi người có cách diễn giải khác
nhau. Có người chú trọng tình nhỏ, nghĩa là dành tình cảm cho bản thân,
cho cha mẹ, cho gia đình; có người lại nhấn mạnh vào tình lớn, cũng chính
là dành tình cảm cho người đời, có trách nhiệm với thiên hạ, vui buồn cùng
nỗi buồn vui của thế gian, vì muốn giúp đỡ mọi người mà gạt đi tình riêng.
Người thường có thể sống vì tình nhỏ là tốt lắm rồi, chỉ những người có
tấm lòng rộng mở và trí tuệ lớn mới có thể sống vì tình lớn, đa tình tột
cùng mới vô tình.
Có người tổng kết vô tình có mười cảnh giới, chi tiết như sau:
Một phần vô tình, có thể bớt việc.
Hai phần vô tình, có thể bớt lo.
Ba phần vô tình, có thể thanh tịnh.
Bốn phần vô tình, có thể giảm bớt ân oán tình thù.