thách sóng gió, giúp con người tôi luyện ý chí để bình tĩnh hơn khi xử lý
mọi chuyện, đối mặt với gian nan vẫn bình thản ung dung, bị chê hay được
khen cũng không tự ti, không kiêu ngạo.
Khi bị ức hiếp, phản ứng đầu tiên của chúng ta luôn là trả đòn, người ta
đánh bạn một cái, tốt nhất phải trả lại người ta hai cái. Cho nên, chúng ta
thường nhìn thấy có người chỉ vì một chút chuyện nhỏ mà tức đến nỗi đỏ
mặt tía tai, đánh đến mức sứt đầu mẻ trán. Thật ra, có rất nhiều người từng
trải qua những chuyện giống như bạn, thậm chí có thể nói, tất cả mọi người
đều từng bị như vậy. Nhưng tại sao chỉ có bạn cho rằng mình bị bắt nạt? Đó
là vì bạn không thể “nhẫn”. Một số chuyện nhẫn nhịn thì sẽ qua.
Nhẫn nhịn không phải nhu nhược, dễ bị ức hiếp, hoàn toàn trái ngược,
đó là phản ứng tự nhiên của những người có tinh thần mạnh mẽ. Người
biết nhẫn nhịn luôn có chỗ đứng bất bại trong cuộc cạnh tranh xã hội. Một
người thiếu đi sự nhẫn nhịn rất dễ bị đè nén, còn người có sức chịu đựng
lớn thì dù trong giông bão cũng không sợ hãi, trở thành người thắng cuộc
cuối cùng.
Đời người luôn vì không thể nhẫn nhịn nên dù một câu nói, một chuyện
nhỏ cũng có thể dẫn đến tranh chấp, làm cho mọi người đều không vui vẻ.
Có một thanh niên tính tình nóng nảy, thường hay đánh nhau với người
khác, mọi người đều không thích anh ta. Một ngày nọ, người thanh niên
này vô tình dạo chơi đến chùa Đại Đức, tình cờ nghe được một thiền sư
đang giảng pháp. Nghe xong, anh ta thề rằng sẽ thay đổi, anh ta nói với
thiền sư: “Sau này con sẽ không đánh nhau với người ta nữa, tránh để mọi
người đều không muốn nhìn thấy con. Cho dù người khác có nhổ nước
miếng vào mặt con, con cũng chỉ nhẫn nhịn lau đi, bình tâm chấp nhận!”
Thiền sư nghe người thanh niên nói vậy, chỉ cười nói: “Hà tất phải làm
vậy? Cứ để nước miếng tự khô, sao phải lau đi?”