Nếu như châu Âu đã thỏa thuận được với nhau rồi thì tại sao lại còn có
quá nhiều thái độ dè dặt đối với chính phủ Nhật Bản ? Tại sao lại im hơi
lặng tiếng như vậy ? “Đó là điều tôi không sao hiểu nổi. Tại sao người ta
không nói ra điều đó ? Tôi không có câu trả lời. Có phải là một thứ lịch sự
không đúng lúc không ? Bà Cresson đề cập đến một tác phẩm của ông chủ
hãng Sony. Akio Morita, và của nghị sĩ cánh hữu, Shintaro Ishihata, Nước
Nhật có thể nói “không”. Cuốn sách đó kêu gọi nước Nhật trở nên hùng
mạnh để cuối cùng trả lời “không” trước các yêu sách của nước Mỹ, ông ta
đề cập đến siêu đẳng về chủng tộc của người Nhật. Edith Cresson nói tiếp:
“Rốt cuộc thì người Nhật cũng viết cuốn “Mein Kampf” của họ, Nước
Nhật có thể nói “không”, điều đó giống hệt như cuốn Mein Kampf thật.
Cuốn sách ấy đã mô tả tất cả những gì sẽ xảy ra. Hồi đó cuốn Mein Kampf
còn được dịch ra tiếng Pháp. Người Pháp nào không muốn đọc nó thì không
cần đọc. Ông thấy đấy, khi người ta không muốn nhìn thấy điều gì thì người
ta không cần nhìn nó. Cuốn Mein Kampf không được dịch ra một cách
chính thức. Nhưng cuối cùng những bản dịch lén lút vẫn xuất hiện, những
người “thạo tin” sẽ có sách đọc”.
Để ngăn chặn những quyết định bất lợi cho họ, hoặc để sửa lại những
quyết định một khi đã được ký, người Nhật quả là những nhà vô địch trong
thủ đoạn vận động giới lãnh đạo Mỹ.
“Những người ở chỗ chúng tôi gọi là “thạo tin”, thì có tất cả các văn bản
mà đại diện thương mại của chúng tôi ở Washington gởi về - chẳng hạn như
tài liệu về hoạt động hành lang của người Nhật. Họ biết rõ cách thức mà
người Nhật đã tiến hành để “mua” người như thế nào. Thô thiển như là với
một tấm séc. Nhưng cũng có những thủ đoạn tinh vi hơn. Một giáo sự đại
học hào phóng nào đó thành lập một tổ chức. Rồi tổ chức này gặp khó khăn.
Thế là, người ta trợ cấp cho nó v.v... Tất cả điều đó được giải thích rất hợp
tình hợp lý. Khắp nơi đều như thế cả, chúng tôi quá biết rõ”.
Bà Bộ trưởng phản ứng công khai chống lại người đồng sự của bà thời
đó là ông Roger Fauroux, Bộ trưởng Bộ công nghiệp. Đối với ông ta, nếu
công nghiệp xe hơi Pháp không đương cự được với công nghiệp Nhật Bản
thì đó là vì xe Nhật tốt hơn xe Pháp.
“Khi tôi nghe ai đó trong giới chức trách của nước Pháp nói: “Đó là lỗi
của chúng ta, vấn đề là phải làm tốt hơn”, thì tôi cho rằng nói như thế chưa
đủ. Không phải là hoàn toàn sai. Đúng là chúng ta phải làm tốt hơn. Nhưng
ở Pháp và ở châu Âu, việc phân tích cặn kẽ chiến lược của Nhật Bản mới
chỉ được tiến hành trong một phạm vi rất hạn hẹp”.
Điều đó có nghĩa là ông Fauroux không hiểu gì về ý đồ thực sự của
người Nhật ?