vẫn là một tên lùn về chính trị, do dự lâu trước khi than phiền công khai. Vốn đã bị cô
lập trên thế giới về mặt ngoại giao, chính quyền ở Đài Bắc e ngại các hậu quả chính trị
tiêu cực khi chỉ trích. Từ mấy năm nay, chính quyền Đài Loan cho rằng chén đắng họ
uống đã đầy vì thâm hụt buôn bán với Nhật đã tới 7 tỷ đô la (số liệu năm 1989), và họ
không còn ngần ngại tỏ sự bất bình công khai. Một quan chức của bộ kinh tế Đài Loan
mà tôi không tiện nêu tên ở đây, trước mặt tôi đã không ngần ngại so sánh Nhật như
một cường quốc bá quyền.
Ở Pháp, thậm hụt buôn bán với Nhật đã trở thành vấn đề quốc gia. Tất nhiên, Paris
và Tokyo không thống nhất với nhau về các số liệu ngoại thương của hai nước. Đôi
khi những dị biệt tới mức nực cười. Năm 1989, sự khác biệt giữa các số liệu của Pháp
và của Nhật lên tới con số chóng mặt: 30,5 tỷ franc. Theo hải quan Pháp thì Pháp đã
thâm hụt 29 tỷ franc. Nhưng, với chính phủ Nhật, Pháp đã thặng dư 1,45 tỷ franc. Lý
do của khoảng cách này: Nhật không tính khối lượng xuất khẩu của họ thông qua một
nước thứ ba.
Kết quả, đến lượt mình, Pháp tuyên bố giới hạn của sự chịu đựng đã bị vượt quá.
Ngày 11/1/1990, Thủ tướng Pháp Michel Rocard ngay trước khi tiếp người đồng
nghiệp Nhật Bản là Toshiki Kaifu ở Paris, đã tuyên bố bằng những lời lẽ chẳng mấy
ngoại giao rằng Nhật Bản không “chơi đúng trò chơi” tự do mậu dịch. Những nỗ lực
của Pháp từ 30 năm nay để ra khỏi chủ nghĩa bảo hộ “không hề có nghĩa là chúng ta
bắt buộc phải ngu đần và ngây thơ”, ông nói thêm Cùng ngày, trước mặt chính ông
Kaifu, Francois Mitterrand đã ca ngợi “lao động cần cù, tính năng động và hiệu quả”
của Nhật trong lĩnh vực buôn bán, nhưng đồng thời đã chỉ trích “vị trí thống trị” và sự
không thể xâm nhập của thị trường Nhật Bản. Ngày 24/1, Jacques Delors, chủ tịch Ủy
ban châu Âu, trách cứ Nhật không áp dụng cùng những nguyên tắc như Mỹ và châu
Âu trong lĩnh vực thương mại quốc tế. “Nếu người Nhật muốn nhận lãnh trách nhiệm
thì họ phải áp dụng cùng những quy tắc như chúng ta, với bất kỳ giá nào”, ông khẳng
định. Đầu tháng 3/1990, không lâu trước khi đi thăm chính thức Nhật Bản, người đứng
đầu chính phủ Pháp tuyên bố với báo chí Nhật rằng sự mất cân bằng trong buôn bán
Nhật-Pháp đã “tới mức khó mà chấp nhận được”.
Ở châu Âu, Pháp là nước chỉ trích Nhật mạnh mẽ hơn cả. Người Nhật đặc biệt bực
bội và lo lắng nhận thấy rằng trong chính phủ Pháp tồn tại sự thù địch thẳng thừng và
công khai đối với hoạt động của họ trên thế giới. Nỗi ám ảnh của người Nhật là bà
Édith Cresson. Nắm Bộ Ngoại thương rồi Bộ về các vấn đề châu Âu cho đến đầu tháng
10/1990, bà đã ở những vị trí then chốt để tổ chức với hiệu quả tối đa một cuộc phản
công nhắm vào chính sách buôn bán của Nhật. Không nghi ngờ gì, bà đã trở thành
người phát ngôn dũng cảm nhất của cánh “cứng rắn” chống Nhật ở châu Âu; với họ,
châu Âu phải khẩn cấp đoàn kết lại để đối phó với mối đe dọa Nhật Bản. Bởi vì, với bà
Édith, không được phép nghi ngờ nữa: Nhật Bản đã bắt đầu đi chinh phục thế giới.
*