đất nước được tổ chức một cách hoàn toàn ngu xuẩn, ở đó có hàng triệu lỗ
hổng, và người ta lợi dụng điều đó. Sa bẫy - thì, có nghĩa là, nộp ra. Nhưng
như thế hóa ra tôi là con thú ăn thịt, còn họ là loài ăn cỏ? Tôi săn đuổi theo họ,
vớ được con mồi và sống bằng cái đó? Thật không tốt, không đẹp. Không lẽ
cuộc sống bắt buộc tôi trở thành con thú, con thú xã hội? Xin Chúa cứu vớt
khỏi sự phát triển các sự việc như thế! Hẳn là tôi không muốn sống như vậy.
Khi ấy thì biết làm gì? Ra đi cùng Mari đến cái đất nước đẹp đẽ xa lạ ở đấy
ư? Thế còn ba, mẹ, em trai tôi? Những chàng trai này, những người tôi có thể
yêu và không yêu, nhưng họ là bạn bè tôi, một phần cuộc sống của tôi. Và rồi
tôi sẽ làm gì ở nước Pháp ấy? Tôi sẽ trở thành người ăn bám trong gia đình
Mari? Tôi sẽ đi làm thầy giáo dạy ở trường Armenia bên đó chăng? Hay buộc
sẽ phải học thêm vài năm nữa để khẳng định bằng tốt nghiệp chuyên môn?
Không hiện thực - ai sẽ nuôi dưỡng tôi trong thời gian đó? Và liệu tôi có tin
rằng tôi sẽ có thể vượt qua những năm thiếu thốn, nhịn nhục? Không, điều đó
phức tạp. Ở đó chẳng ai chờ đợi tôi hết. Còn tổ quốc - cái từ đó có nghĩa là gì?
Như vậy là tội bán rẻ không chỉ những người thân, mà cả tổ quốc.
Thứ nhất là, đây là thành phố, nơi tôi sinh ra, đất nước của tôi. Mặc dù -
đáng ngờ. Biểu tượng của tổ quốc tôi, núi Ararat, mà tôi nhìn thấy ngày ngày.
Khi nó không bị mây mù che phủ, đã hóa ra nằm trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Đất đai vốn là của tổ tiên tôi, họ đã tước đoạt mất. Ngôn ngữ - thì, ở Pháp
cộng đồng người Armeni thật to lớn, hàng chục các tổ chức, hàng trăm trường
học và nhà thờ, nhưng tôi dù sao đi nữa cũng không bao giờ có thể nói được
tiếng Pháp, như tôi nói bằng tiếng mẹ đẻ. Tiếng nói của tôi sẽ sơ đẳng, không
có giọng điệu và biểu cảm, không có hồn. Tín ngưỡng? Tôi không theo tôn
giáo, mặc dù tôi là người của văn hóa Ki tô giáo, cũng như người Pháp - kể ra,
họ là những người Cơ đốc giáo. Đâu là sự khác biệt giữa nhà thờ tông đồ
Armenia với Cơ đốc giáo hay Tin lành, chưa nói đến Chính giáo? Tôi không
biết, mà kể ra thì cái đó cũng chẳng quan trọng gì. Một thượng đế, một kinh
bổn, một nền văn hóa. Thử nghĩ mà xem, những sự khác biệt, mà các cha cố
nghĩ ra, mới buồn cười làm sao. Riêng cá nhân tôi giữa những người Nga, hay
giữa những người Pháp tôi đều không cảm thấy mình xa lạ. Nhưng dù sao tôi
cũng không thể ra đi. Để lại tất cả ư? Cái phương án ấy không dành cho tôi.