giáo” loãng dần. Và ngay trong số những người theo đạo Thiên chúa, Nhu
lại không được lòng những người gốc miền Nam, vì cha cố của họ gắn với
giáo hội Pháp, có những cha đã bị Nhu bắt giữ hoặc đầy ải đến những vùng
giáo dân xa xôi. Ngay trong hàng ngũ giáo dân miền Bắc di cư, cũng có
nhiều người bất bình, vì những người cha tinh thần của họ như cha Lê, cha
Hoàng bị chế độ ruồng bỏ. Cuối cùng, Nhu chỉ còn tin vào những giáo dân
gốc miền Trung, và nắm giữ các tướng lĩnh bằng ân sủng. Nhưng ân sủng
thì không biết thế nào cho vừa. Những người khi ở cấp thấp thì ước mơ một
cấp cao hơn, khi đã được đưa lên cấp cao thì chỉ sau một thời gian ngắn, đã
tự thấy mình còn xứng đáng với một cấp cao hơn thế nữa. Đặc biệt, ai cũng
e sợ tính hay nghi kỵ của Nhu. Những người thân cận của Nhu luôn luôn
cảm thấy họ bị theo dõi, chỉ một sơ suất, họ có thể bị Nhu hiểu lầm, và như
vậy là danh vọng, cơ đồ tan tành.
Khi nghiên cứu tình hình tướng tá ngụy và qua trao đổi với Nhu, Hai Long
nhận thấy số tướng tá còn được Nhu tin tưởng chỉ tính trên đầu ngón tay.
Nhu chỉ còn tin vào Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, những người đã
trực tiếp cứu nguy cho chế độ trong cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11, Tôn
Thất Đính, quê ở Huế, người được nhiều ân sủng của gia đình họ Ngô, Lê
Quang Tung, chỉ huy lực lượng đặc biệt bảo vệ dinh tổng thống, Huỳnh
Văn Cao, chỉ huy quân đoàn 4, người đã có lần cử Trần Thiện Khiêm về
cứu nguy khi nổ ra đảo chính. Còn tất cả những người khác đều bị ít nhiều
nghi ngờ.
2.
Hai Long một lần nữa khẳng định với Nhu, đảo chính chỉ còn là vấn đề
ngày giờ.
Nhu nói:
- Tôi cũng tin nhất định xảy ra đảo chính. Lần này, chúng ta không thụ
động. Có đảo chính thì sẽ có phản đảo chính. Chúng nó đảo chính được thì
ta mất hết cả. Ta phản đảo chính thành công thì ta còn tất cả. Sau đó phải
triệt hạ không thương tiếc mọi mầm mống đảo chính. Tôi đã có chuẩn bị.
- Tôi cũng nghĩ như vậy.
- Người của Hiếu và Tung, như anh thấy, qua những báo cáo, không xâm