- Tất nhiên... tất nhiên.
Rồi Nhu bỗng hỏi:
- Anh tin hay không tin Đính?
- Đính từ trước tới giờ rất gắn bó với ta. Nhưng từ giờ trở đi, không nên đặt
cả lòng tin vào mỗi mình Đính, vì mất Đính là mất hết.
- Thằng Đính tốt, tin được. - Nhu vẫn giữ ý kiến - Cũng chỉ có nó mới có
khả năng thực hiện kế hoạch phản đảo chính kết quả vào giờ phút quyết
định.
- Sử dụng Đính cách này là chơi dao hai lưỡi!
- Gia đình Đính ở cả Huế, nằm trong tay ta. Ta đã nuôi dưỡng Đính. Đính
đã có lúc là bí thư quân ủy đảng Cần lao nhân vị. Cho tới nay, Đính chưa hề
bộc lộ bất cứ sự bất mãn nào.
- Đính không có gì để bất mãn vì ta cứ tiếp tục đưa Đính lên. Nhưng từ bây
giờ; Đính sẽ đứng trước một sự lựa chọn mới: để tiến bước trên con đường
danh vọng, Đính sẽ chọn ta hay Mỹ...? Nhưng người ở nhà Quận công[2]
có khả năng trả giá Đính cao hơn ta nhiều! Xin lỗi anh, nếu tôi đặt vấn đề
có hơi bi quan.
- Nhu thần người ra một lúc, nét mặt già đi.
Hai Long giải thích thêm:
- Không phải tôi mất lòng tin vào tất cả mọi người. Tôi chỉ muốn khuyên
anh chớ phó thác vận mệnh của chế độ vào tay một người.
- Nhưng “moi” đã đặt lòng tin hoàn toàn vào “toi”. - Nhu hỏi lại.
- Ở trường hợp tôi, có chỗ khác. Tôi chỉ là một người phụ tá bình thường
của Đức cha Lê. Tôi đến với chế độ vì quyền lợi của giáo dân Phát Diệm,
vì quyền lợi của giáo hội Việt Nam. Tôi không có hoài bão gì hơn ngoài
một công trình nhỏ về học thuật mà tôi mong có sự giúp đỡ của anh khi tôi
sắp hoàn tất. Vấn đề này được anh luôn luôn đích thân kiểm nghiệm... Còn
trường hợp của Đính thì hoàn toàn khác. Và nếu tôi có phát biểu điều này,
thì cũng chỉ là suy luận.
Nhu chăm chú lắng nghe, rồi nói rất nhanh:
- Mình rất thích phép biện chứng của Hegel. Mình không dễ tin ai hoàn
toàn. Nhưng ở “toi” có sự tỉnh táo đến lạnh lùng! Mình hoan nghênh vấn đề