Cái mà chúng gọi là “chuyển hướng” đã được cụ thể hóa: phải khai rõ tổ
chức bí mật, những cơ sở của cách mạng, và cuối cùng, phải nhận lời cộng
tác với chúng để cùng đánh phá cách mạng. Đã tới lúc phải lựa chọn dứt
khoát giữa kiên trung và phản bội, giữa bất khuất và đầu hàng?
Bản phản tỉnh của Hai Long đã hai lần bị tên nhân viên ban cải huấn trả
lại. Lần thứ hai, hắn bảo anh:
- Anh không biết điều! Viết lại lần nữa, nếu vẫn toàn những chuyện dông
dài, chúng tôi sẽ có biện pháp. Tỉnh ủy, phó bí thư, rèn luyện như vậy mà
vô đây còn chuyển, các anh sức mấy! Gặp Cầu Lửa rồi anh sẽ biết!
Có thể chúng còn nắm được cái gì đó về hoạt động của anh? Chúng không
bắt bẻ gì về những điều anh đã khai. Như vậy có nghĩa là, mặc dù có sự tố
giác của tên hồi chánh, anh vẫn chưa bị lộ hoàn toàn tung tích. Nhưng còn
cái điều chúng đã biết về anh, và đang buộc anh phải tự khai ra, là cái gì?
Anh không được phép đi xa hơn những điều đã khai.
Hai Long ngồi một mình ở bàn đọc báo. Những chữ in nhảy múa trước mắt
anh. Anh chưa biết viết gì thêm trong lần kiểm điểm thứ ba vào ngày mai.
Nếu lần này, chúng vẫn không chấp nhận, anh sẽ bị coi là ngoan cố.
Một người lặng lẽ đi vào như một cái bóng. Ông ta mái tóc đã hoa râm, vẻ
mặt lành hiền, lúc nào cũng tư lự. Anh đã nghe nói nhiều về người này. Đó
là ông Đẩu, tỉnh ủy viên của Thừa Thiên ngày trước. Ông cùng bị bắt với
Lê Vượng. Chúng đã đưa ông về giam tại Mang Cá. Gần đây, chúng đưa
ông về trại Tòa Khâm. Trại viên xì xào: “Ông Đẩu chuyển hướng rồi!”.
Mọi người né tránh ông. Hàng ngày, ông lủi thủi đi từ nhà lầu xuống khu
biệt giam, rồi lại từ đó trở về nhà lầu. Nhìn con người này, đôi lúc Hai
Long cảm thấy thương hại.
Ông Đẩu lẳng lặng ngồi xuống bên Hai Long, mở một tờ báo ra xem.
Ông Đẩu đưa mắt nhìn quanh rồi hỏi Hai Long bằng một giọng điềm đạm:
- Chắc anh đã nghe anh em nói nhiều về tôi?
- Anh em nói anh là tỉnh ủy viên của Thừa Thiên.
Ông Đẩu thở dài, rồi lại hỏi:
- Anh là thị ủy của Thái Bình phải không?
- Tôi đã khai với họ rồi.