- Sợ làm bận thầy, chớ loại đó thì thiếu giống!
- Những việc có liên quan tới uy tín của cha, con đâu có ngại.
Nhờ đó, Hai Long có thêm được một số quan hệ mới mà anh đang cần.
2.
Ngày 20 tháng 5, Phạm Ngọc Thảo[1] tổ chức một cuộc đảo chính mới.
Nguyễn Cao Kỳ và Phan Huy Quát phát giác sớm vụ này. Năm mươi người
tham gia đảo chính bị bắt.
Thời vận của những tướng trẻ đã tới. Washington đã bắt đầu nhận ra sai
lầm nếu cứ tiếp tục đả kích những tướng trẻ, và không biết dựa vào họ để
thực hiện những ý đồ Mỹ đã dự định. CIA mất nhiều công tìm kiếm vẫn
không thấy một nhân vật nào trong phái dân sự đủ sức thay thế những
người đã bị loại bỏ là Diệm và Nhu. Taylor bật đèn xanh cho các tướng trẻ
làm một cuộc đảo chính quân sự mới.
Hai mươi ngày sau cuộc đảo chính thất bại của Phạm Ngọc Thảo, Hội đồng
quân lực gồm những tướng trẻ đã hạ Phan Huy Quát với toàn bộ nội các
của ông ta một cách dễ dàng vì Quát không có một lực lượng nào bảo vệ.
Lần này, quyền thành lập chính phủ mới không được trao cho Phan Khắc
Sửu là Quốc trưởng mà trao thẳng cho Hội đồng quân lực.
Các tướng trẻ ở Sài Gòn họp đại hội cử ra Hội đồng quân lực mới, Ủy ban
lãnh đạo quốc gia, Ủy ban hành pháp trung ương và Hội đồng kinh tế xã
hội, Hội đồng thẩm phán… và chia nhau nắm trọn quyền hành. Ủy ban lãnh
đạo quốc gia do Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch, Phạm Xuân Chiểu làm
tổng thư ký, Ủy ban hành pháp trung ương tức là nội các chiến tranh cho
Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch. Như vậy trong bộ máy chính quyền mới,
Thiệu làm nhiệm vụ Quốc trưởng, còn Kỳ là nhiệm vụ Thủ tướng.
Cha Hoàng rất bực bội sau khi thấy các tướng trẻ không phải chỉ lật Quát
như đã thỏa thuận với mình mà lật luôn toàn bộ chính phủ dân sự trong đó
có 4 người của Thiên chúa giáo mà ông đã tốn nhiều công sức mới đưa
được vào. Ông càng khó chịu khi thấy trong bộ máy chính quyền mới chỉ
toàn là tướng tá, không có một người nào thuộc phái dân sự.
Ông than thở với Hai Long: