Câu chuyện giữa hai người trở nên vui vẻ hơn. Cuối cùng, cha Hoàng cũng
đồng ý để Hai Long thảo một tờ thiếp chúc mừng Thiệu và Kỳ theo ý anh
đã đề nghị.
Chỉ mấy ngày sau, Phạm Xuân Chiểu đã tới Bình An, nhân danh tổng thư
ký Ủy ban lãnh đạo quốc gia, chuyển lời của chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc
gia Nguyễn Văn Thiệu đề nghị với cha Hoàng đã thương thì thương cho
trót, mong cha hết lòng ủng hộ Hội đồng, Hội đồng sẽ không quên ơn và
riêng cá nhân chủ tịch hội đồng xin hứa làm tròn nhiệm vụ của một con
chiên ngoan đạo đối với giáo hội.
Cha Hoàng ngồi nghe có vẻ hởi lòng hởi dạ.
Ông nói:
- Giáo hội đưa các ông lên, không hết lòng ủng hộ các ông thì còn ủng hộ
ai?
Cuộc chuyện trò giữa cha Hoàng và Chiểu diễn ra rất vui vẻ.
Tuy nhiên, lúc ra về, Chiểu nói riêng với Hai Long:
- Gần đây, tính cha Tổng hay thất thường, không hiểu sao cha ngày càng
khó tính! Nhiều lúc cũng muốn gặp cha để trình bày điều hơn lẽ thiệt
nhưng chỉ lo lỡ có điều gì không vừa ý cha là cha cứ quạt bừa đi, chẳng còn
biết ất giáp, chẳng còn nể nang ai! Đề nghị anh giáo ở gần cha, cố giúp cho
việc siết chặt mối quan hệ giữa chính quyền với cha. Bà con xứ đạo nói, chỉ
có thầy Bốn nói gì cha cũng nghe.
- Tôi gần cha Tổng làm việc với cha nhiều, nên hiểu được tính của cha.
Qua buổi gặp anh hôm nay, thì thấy cha rất vừa lòng vì cách ứng xử của
chủ tịch Nguyễn Văn Thiệu, và chắc chắn sẽ hết lòng ủng hộ Hội đồng, chỉ
mong Hội đồng giữ liên lạc chặt với Bình An, có việc chi thì thông báo kịp
thời. Nếu có chuyện chi anh cảm thấy có khó khăn, xin anh cứ trao đổi
trước với tôi, tôi sẽ lựa lời trình với cha Tổng cho mọi việc được ổn thỏa.
Chiểu vui vẻ cảm ơn anh. Từ đó, Chiểu thường xuyên qua lại với anh. Chỉ
khi nào bận, Chiểu mới cử người đi thay mình.
Cha Hoàng giữ được quan hệ hòa dịu với các tướng lãnh trong Hội đồng
quân lực do Thiệu cầm đầu. Theo lời khuyên của Hai Long, thỉnh thoảng
ông vào dinh Gia Long thăm Thiệu, được Thiệu đón tiếp rất long trọng.