Anh đã nói việc ông đôi lúc xuất hiện ở dinh Gia Long chính là để khẳng
định uy tín của giáo hội đối với chính quyền, như thời trước đây, các cha
thường hay ra vào dinh Gia Long khi còn tổng thống Diệm.
3
Hai Long rất yêu những con đường hẻm ở Sài Gòn, nhất là những hẻm cụt.
Chỉ qua một đoạn đường ngắn, anh cảm thấy như mình đã đặt chân lên một
hòn đảo yên tĩnh, cách biệt hẳn thế giới phồn hoa. Ở đây không còn bị
chóng mặt, nhức óc, ngột ngạt vì những dòng xe hơi, xe máy luôn chảy
xiết, gầm rú, nhả khói xăng. Không còn phải chen chúc giữa những đám
người đông nhung nhúc trên hè phố chật chội, đấu tranh giành miếng ăn,
giành cuộc sống một cách quyết liệt. Ở đây không còn những tiệm buôn,
những quầy hàng với những ô kính sáng choang, với trăm ngàn màu sắc
hấp dẫn nhìn anh bằng con mắt lạnh lùng kênh kiệu, nhắc anh đang đi lạc
vào vương quốc của đồng tiền.
Trong hẻm thường chỉ có những ngôi nhà nhỏ, nhà trệt hoặc một lầu, cửa
luôn đóng kín. Nhiều nhà để một khoảng chống phía trước, trồng những
cây hoa dây leo cho bóng mát, bày những chậu cây cảnh hoa xứ hay hoa
lan. Không khí vắng vẻ, tĩnh lặng. Nó gợi cho anh một cảm giác thư thái,
làm cho đầu óc anh phút chốc trở nên thanh thản. Anh đã từng thầm ước,
một ngày kia khi cuộc chiến đấu đã kết thúc, mình sẽ được sống ở một ngôi
nhà trong một hẻm nhỏ như thế này.
Hai Long cố hạn chế đi lại với những mối “quan hệ”. Nhưng anh vẫn phải
tới cái hẻm gần đường Hai Bà Trưng. Mỗi lần tới đây, anh lại có được
những tin tức, đôi lúc rất quý, kèm theo những giờ phút nhẹ nhàng.
Gia đình Dương ở ngôi nhà cuối cùng trong hẻm. Chiếc cổng sắt và hàng
rào được ghép thêm những tấm tôn, tạo cho nó một vẻ ẩn dật. Cây đào ở
trong sân tỏa tán lá xanh ra ngoài, trĩu trịt những trái tươi hồng, giống như
những chùm hoa. Mỗi lần anh bấm chuông, sau khi người hầu gái còn
nhiều dáng dấp nông thôn mở cổng, ngôi nhà mới hiện ra, sâu thẳm, mát
mẻ và yên tĩnh như một ngôi chùa. Anh đi qua cái sân nhỏ để những đôn
hoa sứ và hai chiếc xe máy của vợ chồng Dương, qua gian nhà ngoài bày