Lòng anh se thắt lại. Đứa con nhỏ ra đời năm kháng chiến chống Pháp cuối
cùng, nằm trên lưng vợ anh khi họ xuống tàu vào Nam, đang khuất dần về
phía cuối đường đề lao vào vùng gió xoáy của lửa đạn.
Một giờ qua, không thấy bé Liên trở về. Anh hết đi ra lại đi vào. Anh nghĩ
tới mọi chuyện không hay có thể đến với con. Công việc này là của người
lớn. Người lớn cũng còn những sơ xuất, lầm lẫn trong nhiều trường hợp. Bé
Liên tuy thông minh, nhưng vẫn là một đứa trẻ dại dột đối với loại việc này.
Nếu bé Liên không trở về thì anh sẽ làm gì? Còn bao nhiêu chuyện quan
trọng đang chờ anh…
Chị Hai bảo chồng:
- Ba nó sốt ruột làm chi! Một lát nữa là con về. Đường phố nhốn nháo, thấy
lạ, nó la cà nên về chậm thôi!
Chị đã quen lo lắng trước những hiểm nguy thường xuyên đe dọa chồng
mình. Còn hơn thế, lúc này chị đang vui. Đứa con đã chia sẻ được một chút
cái gánh nặng mà từ nhiều năm nay, ba nó phải gánh chịu một mình. Ở tuổi
bé Liên, chị đã đi làm liên lạc cho du kích. Bé Liên ngày nay còn tinh
nhanh hơn chị hồi đó nhiều.
Hai Long nhìn đồng hồ. Đã quá 15 phút. Như lời bé Liên dặn, đã tới lúc
phải đi tìm con. Anh lại ra cửa nhìn về phía cầu Thị Nghè. Mặt anh tươi
hẳn lên. Anh đã nhận ra con qua đôi vai nhỏ bé và cái đầu cúi gằm trên xe
đạp, phóng qua mặt tất cả những người cùng đi lao về nhà.
Bé Liên dắt xe vào, hai má đỏ hồng, chiếc áo ướt đẫm mồ hôi.
- Có gặp được không con?
- Dạ có. Con hỏi thăm, cô ấy trả lời đúng như ba dặn, con mới trao thư.
Bấy giờ Hai Long mới hỏi:
- Tại sao con về chậm để ba má lo?
- Lúc hẹn ba, con chưa nghĩ tới là khi vô đi một đường, khi ra phải đi
đường khác thì quân cảnh mới khỏi nghi. Trên đường về, con gặp mấy chỗ
Giải phóng và lính Cộng hòa đang bắn nhau, con lại phải vòng qua lối
khác. Con sợ trễ, ba má đổ đi tìm, ráng đạp hết sức mà giờ mới về tới đây.
Hai Long nhìn con với cặp mắt đầy thương yêu. Nó đã khôn lớn nhiều hơn
mình tưởng. Nay mai nó có thể còn giúp được những việc khác cho mình.