ngoài Thiệu và anh, cùng với phái đoàn, chỉ mời cha Nhuận và anh của
Thiệu là Kiểu, vừa từ Đài Loan về. Hai Long đề nghị nên mời thêm cha
Hoàng. Giấy mời cha Hoàng do cả Thiệu và Hai Long cùng ký. Thiệu phân
công Hai Long là người điều khiển cuộc họp.
Đúng 8 giờ sáng ngày 4 tháng 9, phái đoàn và những người được mời đều
có mặt tại phòng họp riêng của tổng thống. Hai Long ngồi ở ghế chủ tọa.
Anh mở đầu bằng những lời không theo nghi thức:
- Cuộc họp mặt này bề ngoài là lý, bề trong là tình. Chúng ta đang họp tại
phòng hội riêng của tổng thống theo tinh thần “đào viên kết nghĩa”, có sự
chứng giám của Chúa mà đại diện là những vị linh mục thân thiết nhất của
tổng thống...
Anh phác qua một vài nét về tình hình trong và ngoài nước, rồi nói tiếp:
- Với tinh thần đặc biệt của cuộc họp này, tôi có thể nói thẳng là thế nước
của Việt Nam cộng hòa đang chông chênh, ngôi vị của tổng thống có phần
nghiêng ngửa, trách nhiệm của chúng ta đối với vận mệnh quốc gia, đối với
việc phò trợ tổng thống lúc này rất nặng nề. Hội nghị này là hội nghị đồng
tâm, mỗi người chúng ta đều phải dốc lòng, dốc sức hoàn thành sứ mệnh
thiêng liêng đối với đất nước và với đương kim tổng thống. Người đi cầu
viện cần yên tâm, vững lòng lo tròn nghĩa vụ của một Lê Lai liều mình cứu
Chúa, của một Mạc Đĩnh Chi đem chuông đi đánh nước người. Người ở
nhà chu toàn sứ mệnh trị quốc yên dân, bình thiên hạ. Còn gia đình của
những người đi sứ, kẻ tại triều là tôi, xin gánh vác hết.
Những người có mặt, kể cả Thiệu, đều bỡ ngỡ trước không khí này, và lộ
vẻ xúc động.
Hai Long hướng về cha Hoàng:
- Xin cha cầu nguyện cho tổng thống tai qua nạn khỏi và phái đoàn đi sứ
thành công.
Cha Hoàng đứng dậy dọc kinh cầu nguyện. Vẻ mặt thành kính cùng với
giọng trầm và vang của ông linh mục có tuổi tạo nên một bầu không khí
trang nghiêm.
Hai Long quay về phía Trọng:
- Đề nghị ông trưởng phái đoàn báo cáo để tổng thống nghe công việc