- Được tha cả rồi. Khi ra, anh Tá tới đây ngay. Ảnh là người Đà Nẵng, cùng
đi kháng chiến với anh Tường. Nhà em không chịu được gian khổ, về thành
trước, còn ảnh sau 1954 mới vô. Ảnh nói biết anh từ hồi ở miền Bắc.
- Vì vậy mà ông Hiếu và anh ấy đã làm tôi phải mất 3 năm ở trại Tòa
Khâm. Những người làm việc cho ông Nhu vẫn bị chính quyền mới giam
giữ, không hiểu tại sao anh ấy lại ra được?
- Em nghe nói ông Trần Kim Tuyến xin cho ảnh. Hình như anh lại tiếp tục
làm việc...
- Cho ai?
- Ảnh không nói, nhưng ảnh có khá nhiều tiền. Bữa nay, chính ảnh rủ nhà
em đi Vũng Tàu. Mọi lần, em cản. Nhưng lần này, em để nhà em đi với
ảnh. Chỉ một lần thôi! Ông luật sư nhà em khá ngây thơ. Em đã bảo cho
ổng biết đừng có quan hệ với những người chó săn, chim mồi! Có lúc họ sẽ
bán cả mình. Tụi em không cho ảnh hay có quen biết anh. Từ bữa ở Đà Lạt
về, em rất mong anh tới. Nhưng bây giờ thì em không muốn anh chạm mặt
ảnh ở nhà em. Em phải đánh liều gọi điện thoại mời anh tới đây. Chuyện
anh Tường muốn nhờ vả anh, anh nên nói chừng chừng, đừng làm ảnh thất
vọng ngay. Nhưng em kiên quyết không để ảnh dính vô chính quyền.
Chị đã nói quá đầy đủ. Hai Long cảm thấy gần chị hơn rất nhiều so với lúc
chị buông những lời xa xôi trách móc anh. Chị đã xử sự mọi việc khá chín
chắn. Những tình cảm còn lại của một muối tình đầu đã thúc đẩy chị có
những hành động này, hay còn cái gì khác? Chị đã cho anh biết một số điều
có quan hệ tới an toàn của anh. Anh cần chị tiếp tục giúp đỡ. Nhưng anh
không được phép thú nhận mình là ai.
- Bây giờ thì tôi hoàn toàn đồng ý với chị. Chính trường miền Nam đầy rẫy
chông gai, cạm bẫy. Và nay mai sẽ còn biến động rất nhiều. Tôi đã lãnh
được nhiều bài học trong thời gian qua. Lúc này anh Tường chưa nên dính
vô.
Tú Uyên không tỏ ra chú ý tới câu nói của anh. Chị nhìn thẳng vào mắt
anh:
- Khi cần, em có thể nhắn tin cho anh ở đâu? Gọi điện thoại nhiều cho anh
ở Phủ tổng thống e không tiện.