cùng quan trọng không chỉ với Không đoàn 14 mà còn với cả OSS nói
chung.
Gordon đã vạch ra một loạt kế hoạch nhằm tăng cường thu thập thông tin ở
Đông Dương, một trong số đó ông đã trình bày với Coughlin ngày 11 tháng
9 năm 1944. Trong cuộc gặp với Coughlin, Gordon đã phác thảo một kế
hoạch toàn diện cho cuộc kháng chiến của thường dân Pháp tại Việt Nam.
Gordon báo cho Coughlin rằng lực lượng bí mật Pháp đã liên lạc với ông
và "người Pháp ở FIC cảm thấy thời cơ đã đến" với họ để "tham gia tích
cực hơn vào cuộc chiến chống Nhật Bản". Gordon giải thích rằng ngoại trừ
ở "một khu vực tách biệt, nhóm kháng chiến hoàn toàn là người Pháp; và
có tổ chức cao nhất ở khu vực miền Bắc và miền Trung, có 17 nhóm kháng
chiến với tổng số 412 thành viên ở Bắc Kỳ và 8 nhóm không chiến ở Trung
Kỳ với 94 thành viên nữa". Theo Gordon, Kháng chiến Pháp không cần
tiền nhưng dứt khoát cần quân nhu và trang thiết bị, nhất là vũ khí. Vì lý do
đó ông đã thăm dò OSS. Coughlin đã nêu những nét chính, dẫn giải và đưa
ra ý kiến về "Bản kế hoạch Gordon" rồi ngày 20 tháng 9 ông gửi nó cùng
đánh giá của mình đi Washington.
Kế hoạch của Gordon trước tiên là cố gắng đưa ra đảm bảo cụ thể cho
Kháng chiến Pháp mà chính phủ Mỹ có thế sẵn sàng trợ giúp và trang bị
cũng như cấp cho họ "những chỉ thị phối hợp với chiến lược của Đồng
Minh". Kháng chiến Pháp muốn người Mỹ đến gặp họ, đánh giá nhu cầu và
khả năng của họ, giúp họ thiết lập thêm những trạm điện đài. Về phần
mình, họ sẽ tiếp tục giúp các phi công Mỹ và tù binh chiến tranh, và
Gordon thậm chí còn "cảm thấy chắc chắn" rằng các hoạt động phối hợp
giữa OSS và Kháng chiến có thể "bảo đảm giải thoát toàn bộ trại giam (một
trại giam tù binh chiến tranh lớn ở Sài Gòn) hay chỉ những thành viên mà
những người lập kế hoạch cần đến". Kháng chiến đề nghị sử dụng điện đài