Viễn Đông của OSS, báo cáo rằng tư lệnh lực lượng Mỹ tại mặt trận Trung
Quốc Albert Wedemeyer đã quyết định "chuyển đơn vị Gordon - Bernard
sang OSS", và rằng, OSS "dường như sẽ chịu trách nhiệm về mặt nguyên
tắc đối với các hoạt động của SI". Nhưng động thái này đã gặp phải những
trở ngại nghiêm trọng. Loại trừ các điệp viên ngư ời Hoa của Fenn, mạng
lưới GBT hầu như do riêng những người Pháp thân Đồng Minh thành lập.
Và, như đã đề cập đến từ trước, chỉ trước đó vài tháng Roosevelt đã cấm
giúp đỡ và cộng tác với người Pháp ở Đông Dương. Trong lúc Lee và đại tá
Richard Heppner, người giám sát các hoạt động của OSS cho Wedemeyer,
thăm dò khả năng sử dụng mạng lưới GBT thì ở Côn Minh Donovan tán
thành hợp tác chặt chẽ hơn giữa Pháp và OSS. Vì vậy, có vẻ như hai cơ hội
thuận lợi nhất của OSS đối với thu thập tin tình báo ở Đông Dương liên
quan đến cộng tác trực tiếp với người Pháp vi phạm các chỉ thị của
Roosevelt. Nhà sử học Stein Tonnesson đã kết luận rằng "vì Donovan chắc
chắn đã được báo về lệnh cấm mà ông không thể xem thường một cách đơn
giản, nên cách giải thích hợp lý duy nhất là ông được miễn chỉ thị của tổng
thống thông qua thoả thuận đặc biệt nào đó với Roosevelt".
Giả dụ điều này là có thật thì các mối quan hệ giữa Pháp và Mỹ ở Trung
Quốc cũng vẫn căng thẳng. Pháp phản đối mọi ám chỉ rằng thuộc địa của
họ cần phải được độc lập và vừa giận dữ vừa bối rối bởi tình trạng trì trệ
của họ tại Trung Quốc, nhất là bởi họ không có được cả sự tôn trọng lẫn
nguồn giúp đỡ. Có lẽ việc Pháp cộng tác với Gordon rồi cũng có ảnh hưởng
tương tự là không thể tránh được. Trong tháng Giêng Bernard và Fenn nhận
được một thông báo tuyệt vọng từ André Lan nói rằng y "đang bị chính
quyền Pháp làm khó bởi bị bẩm báo làm việc cho người Mỹ!". Theo Lan,
ngay cả những người Pháp Tự do cũng chống Mỹ vì Roosevelt sẽ không
công nhận quyền lợi của Pháp đối với Đông Dương và kết quả là các điệp
viên GBT "thấy khó khăn trong việc thu thập tin tức và duy trì lịch liên lạc
điện đài thậm chí còn khó khăn hơn nhiều".