Sự cấp bách mà Helliwell ám chỉ trong thư báo cáo của mình đã bị làm cho
trầm trọng hơn 8 ngày sau đó bởi cuộc đảo chính của Nhật. Những sự kiện
ngày 9 tháng 3 đã làm thay đổi tình hình đối với tất cả những người liên
quan, tất nhiên cả với những cường quốc liên quan đến chiến tranh thế giới:
Mỹ, Pháp và Nhật. Người Mỹ, chí ít là tạm thời, đã nếm mùi thiếu thông tin
về những vấn đề như thời tiết, quân Nhật và sự di chuyển của tầu bè. Pháp
mất không chỉ thuộc địa mà còn cả vị thế trong mắt những thần dân thuộc
địa của mình. Sau ngày 9 tháng 3 Nhật tăng thêm trách nhiệm trong quản lý
- hay ít ra là trong giám sát chính quyền Đông Dương. Tuy nhiên, thay đổi
quan trọng nhất đến sau Chiến dịch MEIGO không làm liên luỵ đến mối
quan hệ Pháp - Nhật hay ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực chiến tranh.
Với đảo chính, Việt Nam và Nhật bước vào một giai đoạn mới trong quan
hệ của họ, một giai đoạn sẽ hoàn toàn thay đổi động lực của tình hình.
Trong lúc lên kế hoạch đảo chính, giới quân sự Nhật và chính quyền dân sự
thường xuyên bất đồng - về thời gian, về quan hệ của họ với Pháp, và quan
trọng hơn cả là về chính sách phải được theo đuổi liên quan đến "vương
quốc" Đông Dương. Các thành viên Bộ ngoại giao Nhật, đặc biệt là Bộ
trưởng Bộ ngoại giao Shigemitsu, muốn tuyên bố vương quốc độc lập trước
bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Pháp. Những bức điện được Ultra
giải mã trong tháng 2 năm 1945 cho thấy rằng Shigemitsu đã "bảo vệ" vấn
đề chủ quyền đối với Đông Dương và rằng "ý kiến của Bộ Ngoại giao về
vấn đề độc lập ít ra một phần cũng được quy cho nỗi lo sợ chọc giận nước
Nga Xô Viết". Một bức điện khác được Ultra giải mã đã cho thấy chính xác
hơn thực chất những quan tâm của Nhật. Trong 4 điểm của nó, bức điện đã
trình bày một lý lẽ có cơ sở cho phép Đông Dương độc lập càng sớm càng
tốt: