đường phố Hà Nội. "Chúng tôi thấy hàng trăm đứa trẻ như vậy ở mọi lứa
tuổi; cảnh tượng này gần giống như chúng tôi đã chứng kiến nạn tàn sát
người Do Thái vào thời Hitler", Ray Grelecki nhớ lại. "Vì vậy, dựa vào
quyền hạn của chính mình, chúng tôi đã điện về sở chỉ huy, vì chúng tôi có
máy bay, có thực phẩm, có các thiết bị y tế. Chúng tôi tổ chức việc đó và
đưa lên máy bay không chỉ hàng cứu trợ mà cả những nhân viên y tế". Mặc
dù thường xuyên làm việc với mục đích tương tự, cũng giao thiệp và có vẻ
giúp đỡ Hồ Chí Minh và Việt Minh, Patti và Nordlinger liên tục đặt câu hỏi
và bình luận về thái độ trung lập của mỗi bên. Tuy nhiên, chỉ huy của phái
đoàn G-5 gần như không phải là người Mỹ duy nhất tại Hà Nội bình luận
về thanh danh của Archimedes Patti. Nhưng người chỉ trích ông gay gắt
nhất lại chính là một số lính OSS.
Sĩ quan OSS Lucien Conein và Patti cũng hay buộc tội nhau. Mặc dù lúc
đầu Patti nhận thấy Conein "đáng tin cậy và không hoàn toàn phù hợp với
các chính sách của Pháp về Đông Dương", nhưng mối quan hệ giữa họ kết
thúc do lời nhận xét có phần gay gắt của Conein, "Tôi không thích Patti.
ông ta là một Guinea ngạo mạn (một kiểu chê bai đối với những ai có tổ
tiên là người Italia). Bạn không bao giờ moi được sự thật từ ông ta".
Vào tháng 9 năm 1945, Conein, giống như Nordlinger, tỏ ra cảm thông với
người Pháp và có vẻ như đã tham gia vào các hành động rõ ràng ủng hộ
Pháp. Sợ rằng "kiều dân Pháp tại Hà Nội có thể bị Việt Minh tàn sát",
Conein "bắt tay vào một cuộc vận động độc lập để giải cứu những sĩ quan
cao cấp của Pháp thoát khỏi sự trừng phạt cả từ phía Nhật lẫn Việt Minh".
Nordlinger đã can thiệp và thành công trong việc giải thoát cho Sainteny
sau khi ông ta "bị đám đông giận dữ bắt giữ vì đã treo quốc kỳ của Pháp
phía trước ô tô". Cũng Nordlinger hồi tưởng lại, Conein thường xuyên gặp
gỡ các thành viên cấp cao của Chính phủ Việt Minh, với Võ Nguyên Giáp.