Lý Cao Thành thường xuyên nói đùa với các bậc đồng liêu hoặc các
lãnh đạo cấp 1 trong bữa ăn rằng: Tôi đây, nhìn thế nào cũng biết là quan
thanh liêm; xem mặt và bụng các ông kìa, nhân dân vừa nhìn là biết là quan
tham rồi.
Ngoài miệng nói mình là quan thanh liêm, và thâm tâm ông cũng tự
xác nhận mình thực sự là một thanh quan. Đối mặt với con đường quan
chức mấy chục năm, chưa bao giờ ông thấy hổ thẹn với lòng.
Tình cảm ông dành cho Xưởng may Trung Dương có thể nói là lay
không chuyển, kéo không rời, mối liên hệ mà ông có với nó cũng vô bờ
bến, sở dĩ như vậy là vì ông đã từng có khoảng thời gian mấy chục năm giữ
chức vụ bí thư Đảng ủy và xưởng trưởng tại xưởng may Trung Dương. Ông
là lứa học sinh trung học chuyên nghiệp tốt nghiệp trường may mặc sớm
nhất từ khi nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập cho đến nay, có
thể nói ông đã dành hơn nửa cuộc đời mình để gắn bó với ngành may.
Ông là người phương Nam, khi đó các doanh nghiệp may mặc lớn của
Trung Quốc đều đặt ở phía bắc, nên ngay sau khi tốt nghiệp trung học
chuyên nghiệp ông đã được cử đến cao nguyên Hoàng Thổ của Hoa Bắc.
Đầu tiên, ông làm nhân viên kĩ thuật cho xưởng may Tân Hoa khoảng gần
10 năm rồi lên làm phó chủ nhiệm xưởng, chủ nhiệm xưởng, sau đó tiếp tục
công tác gần 8 năm tại xưởng may tỉnh, quãng thời gian này ông từng đảm
nhận nhiều chức vụ như chủ nhiệm xưởng, bí thư Đảng ủy nhà máy, kĩ sư
trưởng và phó xưởng trưởng
Năm 1980, ông được điều đến xưởng may Trung Dương với thân phận
một phó bí thư Đảng ủy và phó xưởng trưởng, năm 1982 ông được bổ
nhiệm chức vụ bí thư Đảng ủy nhà máy và xưởng trưởng xưởng sản xuất.
Cơ chế ngày ấy là bí thư Đảng ủy chịu trách nhiệm, nên mới vừa tròn 40
tuổi, Lý Cao Thành đã trở thành cánh tay đắc lực danh bất hư truyền của
doanh nghiệp có quy mô lớn với gần 2 vạn công nhân viên, đồng thời cũng
trở thành vị cán bộ cao cấp trẻ nhất tỉnh thời bấy giờ.