mà có được. Ít nhất có thể nói rằng, họ đã kinh qua hoặc đã từng kinh qua
sự kiểm tra của công nhân viên và các bậc lãnh đạo nhà máy. Làm việc lâu
năm tại một nhà máy, từng bước từng bước đi lên địa vị lãnh đạo, điều đó
quá đủ để chứng minh năng lực cũng như nền tảng xã hội của họ. Đây quả
thật là hiếm gặp!
Đương nhiên cũng có cản trở.
Xưởng trưởng cũ Nguyên Minh Lượng và phó xưởng trưởng Lý Tố
Chi có cách nhìn khác về ban lãnh đạo này, nhất là kĩ sư trưởng kiêm phó
xưởng trưởng Trương Hoa Bân đã phản đối vô cùng kịch liệt.
Lý do phản đối của họ chủ yếu tập trung vào xưởng trưởng Quách
Trung Diêu và phó xưởng trưởng Mua bán Phùng Mẫn Kiệt.
Họ cho rằng Quách Trung Diêu không đủ năng lực, đứng đầu một
doanh nghiệp quốc hữu lớn như vậy nếu thiếu hụt trình độ nhận thức về
tầm nhìn chiến lược cũng như trình độ lý luận về cơ sở khoa học kĩ thuật,
rất khó đảm đương trọng trách, mà Quách Trung Diêu thiếu hụt rõ ràng các
yếu tố này. Từ đó, họ cũng đánh sụt khá nhiều cái gọi là "quyết đoán" mà
Lý Cao Thành coi trọng: thiếu năng lực mà lại "quyết đoán", một lãnh đạo
như vậy thật khiến cho người ta phải suy nghĩ, nhiều lúc cũng đáng sợ lắm.
Kỹ sư trưởng Trương Hoa Bân thậm chí còn đưa ra những dị nghị về
một vài hành động của Lý Cao Thành tại nhà máy, ông ta lên án cách làm
liều không thèm quan tâm đến lượng hàng tồn đọng khổng lồ khi xưa của
Lý Cao Thành, rằng làm như vậy là vô cùng mạo hiểm mà xét ở một góc độ
ý nghĩa nào đó thì coi như kiểu vô trách nhiệm. Nếu tình hình ấy mà xảy ra
ngày hôm nay thì sẽ nguy hiểm khôn lường, bởi đó là đang đánh bạc bằng
vận mệnh của cả nhà máy và gần hai vạn công nhân, về cơ bản nó hoàn
toàn không phù hợp với chuẩn tắc và quy phạm vận hành một doanh nghiệp
hiện đại. Hơn nữa, kiểu hành động này cũng đã ảnh hưởng và tạo những ám
thị sâu xa lên ban lãnh đạo bây giờ.