Khi anh ta ngồi xuống chỗ của mình đợi máy tính khởi động.
Susan chợt có một ý nghĩ. Nếu như Hale truy cập vào màn hình chạy của
TRANSLTR thì sao? Không có lý do hợp lý nào khiến anh ta làm như vậy,
tuy nhiên Susan biết rằng anh ta sẽ không bao giờ tin một câu chuyện ngớ
ngẩn về một mật mã làm cho TRANSLTR xử lý trong 16 tiếng. Hale có thể
muốn biết sự thật, và Susan không có ý định cho anh ta biết. Cô không tin
Greg Hale. Anh ta không phải là nhân viên của NSA. Cô đã phản đối việc
thuê anh ta ngay từ đầu, nhưng NSA không có lựa chọn nào khác. Anh ta là
một món nợ mà NSA phải gánh sau một phi vụ.
Dự án Skipjack đã thất bại.
Bốn năm trước đây, trong một nỗ lực nhằm tạo ra một tiêu chuẩn mã hoá
chung, đơn giản, Quốc hội đã thuê những nhà toán học giỏi nhất trong
nước, những người làm tại NSA, viết một siêu thuật toán. Kể hoạch này sẽ
được sử dụng cho Quốc hội trong việc thông qua một điều luật về một thuật
toán chuẩn trong nước, do vậy các tập đoàn sẽ không phải chịu những rắc
rối do sử dụng cac thuật toán khác nhau.
Tất nhiên khi yêu cầu NSA giúp một tay trong kế hoạch phát triển tiêu
chuẩn mã hoá chung là một yêu cầu như thể yêu cầu một người tự xây
chiếc quan tài cho mình vậy. TRANSLTR lúc đó chưa ra đời, và một tiêu
chuẩn mã hoá chỉ giúp đẩy mạnh việc sử dụng mã hoá, điều này sẽ làm cho
công việc khó khăn của NSA lại càng khó khăn hơn.
EFF hiểu rõ sự mâu thuẫn quyền lợi này và loan tin NSA sẽ tạo ra một
thuật toán kém chất lượng, có thể bị giải mã một cách dễ dàng. Để đối phó
với tình huống này, Quốc hội tuyên bố rằng khi nào NSA tạo ra thuật toán,
thì công thức đó sẽ được những nhà toán học trên thế giới kiểm tra chất
lượng.