bình phương: 16, 25, hay 100 tuỳ theo độ ngắn dài của thông điệp mà ông
muốn truyền tải. Sau đó Caesar bí mật báo cho thuộc hạ của mình biết khi
họ nhận được một bức thư dưới dạng mật mã thì hãy xếp các chữ cái của nó
lên một hình vuông. Nếu làm đúng như vậy rồi đọc từ trên xuống dưới, nội
dung bức thư mật sẽ hiện ra như một phép màu.
Theo thời gian, ý tưởng của Caesar về việc sắp xếp lại các đoạn văn bản để
mã hoá chúng đã được những người khác học tập và phát triển thêm sao
cho khó phá hơn. Công nghệ giải mã không sử dụng máy tính đã đạt tới
đỉnh cao trong thời gian Thế chiến II.
Phát xít Đức đã chế tạo được một cỗ máy chuyên mã hoá hết sức hiệu quả
tên là Enigma. Thiết bị này trông giống một máy chữ kiểu cũ với rôto khoá
liên trục bằng đồng quay theo các chiều hết sức phức tạp và chuyển một
đoạn văn bản gốc thành những dòng ký tự lộn xộn. Phải dùng một cỗ máy
Enigma khác và làm ngược lại thật chính xác quá trình mã hoá ban đầu,
người nhận mới có thể đọc được thông điệp.
Becker chăm chú lắng nghe như hút hồn vào câu chuyện. Giảng viên đại
học giờ đây lại trở thành sinh viên.
Một đêm, trong một buổi diễn kịch của sinh viên trường Georgetown,
Susan đưa cho David đoạn mã đầu tiên để thử bẻ khoá. Trong suốt thời
gian nghỉ giải lao, tay anh cầm bút, vắt óc suy nghĩ về đoạn mã có 17 chữ
cái.
HL FKZC VD LDS
Cuối cùng, đúng lúc màn vừa kéo lên bắt đầu phần hai vở kịch, anh tìm
được câu trả lời. Hoá ra Susan chỉ thay thế mỗi chữ cái trong đoạn mã bằng
một chữ cái đứng trước nó trong bảng chữ cái.
Để giai mã, Becker chỉ việc làm ngược lại, chữ "A" thì thành "B" - "B" thì
thành "C" - và cứ thế. Anh nhanh chóng giải mã toàn bộ bức thông điệp.