Đúng lúc chúng tôi đang vui sướng vì đã thuận lợi đưa ra kết luận này,
ngoài cửa đột nhiên vang lên tiếng kêu khóc thảm thiết.
Nhóm người nhà đầu tiên đến nhận thi thể, đều là người Nam Giang. Tôi
đột nhiên nhớ tới nhiệm vụ của mình: Tiếp đón.
Tôi dẫn nhóm người thân đầu tiên đến nhà xác, hai người đàn ông dìu một
phụ nữ trung niên, người phụ nữ đó tinh thần gần như vỡ nát. Khi tôi kéo
một thi thể ra khỏi tủ lạnh và mở túi bọc để lộ khuôn mặt cô bé, người phụ
nữ trung niên bỗng ngất lịm, hai người đàn ông cũng khóc òa lên, dắt díu
nhau đi ra. Tôi nhanh chóng cởi găng tay, đỡ người phụ nữ suy sụp kia dậy,
nói: “Xin hãy nén bi thương, người cũng đã mất rồi, người ở lại cũng đừng
để gặp chuyện!”. Cứ như vậy, chúng tôi đưa người phụ nữ ấy ra xe cảnh sát,
đưa đến bệnh viện.
Sau đó vài ngày, các đồn công an ở toàn thành phố căn cứ theo thông tin
chúng tôi cung cấp mà rà soát tìm kiếm trong những cô gái mất tích trong
thời gian qua, đồng thời tôi vẫn tiếp tục ngập trong công việc tiếp đón
người nhà đến nhận thi thể từ vụ tai nạn giao thông. Công việc tiếp đãi này
gọi là gian khổ cũng không quá lời. Tôi đã hiểu ra, anh Tiêu cho tôi là công
việc này là có hàm ý sâu xa. Làm một bác sĩ pháp y, nhất định phải có tố
chất tâm lý cứng cỏi, tố chất này không chỉ được xây dựng trong quá trình
khám nghiệm tử thi, mà còn phải bồi đắp giữa tình đời tình người. Mấy
ngày qua, tôi đã được chứng kiến những bi kịch không nói nên lời. Khi
nghe tin đứa con bé bỏng của mình đột ngột ra đi, có người đứng sững sờ
mặc cho nước mắt chảy giàn giụa, có người ngất xỉu trên đường tới đây, có
người khóc lóc thảm thiết, đau đớn thấu trời xanh, có người bổ nhào vào thi
thể cứng lạnh, không ngừng hôn lên đôi môi, gò má người chết… Thương
thay cho tấm lòng cha mẹ. Cảnh họ đau thương tuyệt vọng khiến trái tim tôi
như bị xé toạc ra.