LỜI GIỚI THIỆU
xi
dân tộc Việt Nam. Do vậy, Phật giáo vùng Nam bộ không chỉ trở
thành nhân tố cấu thành nền tảng văn hóa và con người, mà còn
góp phần tạo nên hệ giá trị và bản sắc văn hóa riêng của vùng đất
và con người Nam bộ.
Hiện nay, vùng đất Nam bộ đang diễn ra quá trình đổi mới toàn
diện, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với sự phát triển
bùng nổ của khoa học – công nghệ và thể chế kinh tế thị trường.
Các xu hướng này đặt ra cho vùng đất Nam bộ không ít cơ hội phát
triển bứt phá, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức nghiêm trọng.
Đó là nguy cơ bị đứt gãy và mai một bản sắc văn hóa trong hội nhập
quốc tế và đẩy bộ phận không nhỏ những con người bị tổn thương
bởi sự cô đơn của chính bản thân mình khi mặt trái của đời sống xã
hội, khoa học công nghệ hiện đại, càng mạnh lại càng trừu tượng,
lạnh lùng, vô cảm vì chạy theo lợi nhuận và những mục tiêu không
vì con người. Tính hai mặt của quá trình toàn cầu hóa là tất yếu và
đòi hỏi chúng ta phải quan tâm, chú trọng hơn đến hạnh phúc con
người, chú trọng đến văn hóa và con người với tư cách là nền tảng
của mọi quan điểm, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội vùng Nam bộ.
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xác định rõ diện mạo Phật giáo
vùng Nam bộ với tư cách là hệ hình văn hóa – tôn giáo vùng. Do
vậy, hệ giá trị, bản sắc văn hóa của Phật giáo vùng Nam bộ vẫn chưa
được khắc họa rõ nét. Nhưng chúng ta đều có chung tâm thức rằng:
“Phật giáo vùng Nam bộ hiện diện trong trái tim và có tiềm năng
vượt trội”. Đây cũng chính là mục tiêu chính của bộ sách này.
Với tư cách chứng minh và chỉ đạo, tôi cho rằng ban tổ chức hội
thảo, ban biên tập và tập thể tác giả bộ sách đã rất cố gắng thể hiện
tốt tâm thế và tinh thần mới trong nghiên cứu những chủ đề rộng
lớn, bao quát nhiều nội dung phong phú về Phật giáo vùng Nam
bộ. Song vẫn không thể tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế về tính
toàn diện, sự chưa đầy đủ của hiện thực đời sống Phật giáo vùng
Nam bộ. Đặc biệt là cách tiếp cận và một số nhận định có thể phải
thảo luận thêm và tiếp tục nghiên cứu.