sinh lời mới mẻ. Cú chuyển dịch này đã mở ra vô số con đường mới cho
công ty, Econet giờ đây sử dụng các trạm sạc của mình cung cấp điện năng
cho mọi thứ, từ các bóng đèn, đến tủ lạnh dự trữ vắc-xin rất an toàn cho
toàn bộ cộng đồng dân cư.
Doanh nghiệp và chính quyền phải khuyến khích các doanh nghiệp lâu năm
và cả những tên tuổi mới nổi tập trung vào những mảng vấn đề như y tế,
giáo dục, biến đổi khí hậu và chăm sóc cộng đồng. Ta có thể đẩy nhanh quá
trình này như thế nào để tạo ra tác động lớn hơn nữa? Dường như có ba trở
ngại chính đang cản đường thế hệ lãnh đạo mới, những người muốn thúc
đẩy các doanh nghiệp xã hội hơn nữa.
GỌI VỐN - “TIỀN ĐÂU”
Vào năm 2012, Văn phòng Chính phủ Anh quốc ước tính rằng chỉ riêng ở
Vương quốc Anh, đã có tới 70 nghìn doanh nghiệp xã hội hoạt động để hỗ
trợ con người, cộng đồng và môi trường. Họ còn cho biết thêm là những
doanh nghiệp và tổ chức này đóng góp một con số cực lớn là 54,9 tỷ bảng
Anh vào nền kinh tế khi tuyển dụng gần 1 triệu lao động. Thật bất hạnh, dù
những con số này nghe ấn tượng làm sao, nhưng thực tế là chúng cũng
chưa đủ tác động tới bề mặt những vấn đề mà các doanh nghiệp đang nỗ
lực để giải quyết.
Doanh nghiệp thường rất vất vả với việc gọi vốn cho bất cứ thương vụ nào,
nên cũng chẳng lạ gì khi những doanh nghiệp xã hội huy động vốn còn khó
khăn hơn nhiều so với các doanh nghiệp thuần thương mại – bất chấp thực
tế là lợi ích tài chính thu về có thể lớn bằng, thậm chí lớn hơn. Lấy ví dụ,
chỉ tính riêng ở Vương quốc Anh, nếu một nhóm khởi nghiệp đề xuất kế
hoạch vận hành một doanh nghiệp xã hội với tiềm năng thay đổi triệt để
ngành chăm sóc cộng đồng trị giá 87 tỷ bảng Anh, rõ ràng họ xứng đáng
nhận được thái độ lắng nghe nghiêm túc từ những người ở vị trí cung cấp
nguồn vốn đáng kể, chứ không phải là chỉ một chút tiền trợ cấp cỏn con.