Chương 9 chứa đựng những lời khuyên giúp phụ nữ có thể chuẩn bị tốt
nhất cho bản thân cũng như công ty để xin cấp vốn thành công. Chương 10
nói lên những lợi ích cũng như thách thức của việc liên doanh với các đối
tác khác, đặc biệt là các nữ đối tác. Chương 11 tổng kết lại những ý chính
trong cuốn sách, đồng thời thôi thúc người đọc bắt tay vào công cuộc tìm
kiếm của mình. Cuối cùng, phần phụ lục đưa ra bộ công cụ và các tài liệu
mẫu giúp phụ nữ nhìn thấu và lên kế hoạch cho bước chuyển giai đoạn vào
thế giới doanh nghiệp nhỏ của mình.
Cuốn sách này không mang tính học thuật, càng không phải là một tài liệu
kinh doanh, mặc dù bản thân tôi đã thực hiện nhiều nghiên cứu kinh doanh
mang tính học thuật, đánh giá cao phương pháp thực nghiệm và trích dẫn
các nguồn tài liệu khác trong suốt các chương sách. Thay vì đóng vai trò
người thứ ba và để mặc cho “sinh viên” tự rút ra bài học cho mình, cuốn
Phụ nữ thông minh khởi nghiệp đưa ra những quan sát, phân tích, lời
khuyên và kiến thức cho bạn đọc. Trong thời gian viết sách, tôi đã phỏng
vấn hơn 50 phụ nữ và chuyên gia, và viết lại những kinh nghiệm của họ
dưới dạng những giai thoại. Mục tiêu đơn giản của việc sưu tầm những câu
chuyện khác nhau này là để giáo dục và truyền cảm hứng cho bạn đọc.
Những cuốn sách khác thường hướng tới nâng cao nhận thức về những khó
khăn phụ nữ gặp phải trên con đường sự nghiệp cũng như khi thúc đẩy xã
hội thay đổi. Song, cuốn sách này không như vậy. Xin bạn đọc đừng hiểu
nhầm ý của tôi. Tôi thán phục những người ủng hộ những thay đổi trong
chính sách của các công ty hay các chương trình của chính phủ giúp cho
phụ nữ dễ dàng cân bằng giữa gia đình - sự nghiệp và tiếp tục công việc
của mình. Tôi cũng nóng lòng chỉ ra những lợi ích mà nam giới cần và sẽ
được hưởng từ những cải cách đó. Tuy nhiên, liệu chúng ta có nhất thiết
phải chờ đợi các giải pháp chính trị mới vượt qua được những thách thức
trên con đường sự nghiệp? Câu trả lời trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp
này của chúng ta có lẽ là không.