Một lý do thường gặp khi công ty bị bán chỉ đơn thuần là người chủ “muốn
làm một việc gì khác”. Có thể người đó đã lớn tuổi, cảm thấy mệt mỏi;
cũng có thể họ không có đủ động lực và kỹ năng để đưa công ty lên một
tầm cao mới. Nhưng thường thì luôn có những vấn đề bên trong mà người
bán không muốn tiết lộ với các khách hàng tiềm năng của mình.
Một điều cần nhớ là các công ty nằm ở những khu buôn bán luôn do một
hoặc vài người sở hữu chứ không phải là một nhóm các cổ đông. Từ chính
kinh nghiệm của bản thân mình, bạn cũng có thể nhận ra rằng bạn không hề
muốn làm một công việc suốt cả đời; đôi khi, bạn cần phải thay đổi và tiến
bước. Chủ sở hữu các doanh nghiệp nhỏ cũng như vậy, chỉ có điều không
hề dễ dàng cho họ khi muốn thay đổi. Thật trớ trêu khi sự linh hoạt mà họ
được tận hưởng khi điều hành một công ty nhỏ lại không đi kèm với khả
năng nhanh chóng chuyển nhượng công ty đó — có lẽ đây là hạn chế khi sở
hữu một doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp thường khó thay đổi nghề nghiệp
nhanh chóng được như những người khác. Khi có ý định làm việc đó, họ
phải dành ra ít nhất một năm để chuẩn bị các thủ tục cần thiết cho việc bán
công ty và tìm ra khách hàng có thiện chí.
Thị trường dành cho các công ty nhỏ thường không lớn và mang tính chủ
quan cao. Bởi vì không có một thị trường công khai cho các công ty nhỏ,
cũng như vì hầu hết các công ty này đều mang tính địa phương, rất khó
trong việc thay đổi địa điểm nên chúng sẽ phải tự quảng bá mình trước
hàng loạt người mua với hy vọng sẽ có một người mua xuất hiện vào đúng
thời điểm và đưa ra các điều khoản phù hợp. Những công ty hấp dẫn nhất
sẽ thu hút được sự chú ý của nhiều khách hàng tiềm năng, song họ thường
tìm đến vào các thời điểm khác nhau. Đối với một nhà môi giới, nhận về
thương vụ chuyển nhượng một công ty tư nhân chẳng khác gì đi làm mối
— không chỉ các điều khoản phải phù hợp, sự thành công của thương vụ
còn phụ thuộc vào việc các bên liên quan có thiện cảm với nhau và sẵn
sàng hợp tác trong suốt quá trình giao dịch hay không.