vệ chị trước những lời gièm pha, chỉ trích của người khác và giúp
chị giữ nguyên lập trường vững chắc của mình.
Tự nhận xét về bản thân. Trong các khóa học thực hành dành
cho các học viên theo học khóa lãnh đạo, chúng tôi thường yêu
cầu các học viên viết ra giấy 25 nhận định mà họ muốn người
khác nghĩ và nhận xét về mình, sau đó, các học viên phải liệt kê
tất cả những việc họ cần làm để xứng đáng với những nhận định
đó. Bạn cũng có thể làm như vậy. Bạn hãy viết ra giấy 25 nhận
định bạn muốn người khác nói về mình và có hành động cụ thể
để trở thành một người giống như những nhận định đó. Nói một
cách ngắn gọn, bạn phải biết nhận lấy trách nhiệm của một
người đã trưởng thành.
Nhận thấy thái độ phản kháng của người khác và nguyên
nhân dẫn đến thái độ đó. Nếu người khác có thái độ phản
đối vì những nỗ lực của bạn để tỏ ra thẳng thắn hơn và có uy
quyền hơn, phản ứng này được thể hiện với mục đích kìm hãm
bạn ở vị thế ít mạnh mẽ hơn. Bạn hãy tỏ thái độ hoài nghi thay vì
bằng lòng với phản ứng của họ. Bạn có thể nói, “Có vẻ như anh
không đồng tình với những gì tôi nói. Tôi sẽ phân tích vấn đề
chi tiết hơn và anh có thể cho tôi biết quan điểm riêng của anh.”
Hãy đề nghị người khác nhận xét về bạn. Nếu bạn lo
lắng cách ứng xử của bạn chưa phù hợp, bạn nên đề nghị một
người bạn tin cậy hay đồng nghiệp thân thiết nhận xét về cách
cư xử của bạn. Khi hỏi, bạn nên tránh dạng câu hỏi đúng - sai (ví
dụ, “Anh có nghĩ là tôi đã hành động quá giới hạn không?”) Bạn
nên đặt ra những câu hỏi mang tính gợi mở để có cơ hội biết
được suy nghĩ của người khác về hành vi của bạn (ví dụ, “Anh có
thể nói cho tôi biết liệu trong cuộc họp đó hành động nào của tôi
mang đến cho tôi cơ hội thăng tiến hoặc cản trở cơ hội phát
triển không?”