2. KHẢ NĂNG VÔ HẠN CỦA TRÍ TUỆ
Bạn có biết:
- Bộ não của bạn có khả năng giống như não của nhà bác học Albert
Einstein?
- Bạn có thường xuyên dùng những bằng chứng khoa học tự nhiên để giải
thích về bộ não của con người hay không?
Mọi người sinh ra đều mang bản chất hiếu kỳ tự nhiên và đều được tạo
hoá ban cho tất cả những công cụ cần thiết để thoả mãn sự hiếu kỳ đó. Đã
bao giờ bạn xem một đứa trẻ khám phá đồ chơi chưa? Trước tiên, nó ngậm
đồ chơi vào miệng xem vị như nào. Sau đó, nó lắc đồ chơi, giơ lên, từ từ
đưa vòng quanh người để xem từng cạnh đồ chơi. Tiếp đến, nó đưa đồ chơi
lên lắng tai nghe, ném xuống đất, rồi lại nhặt lên tháo rời từng mảnh và
xem xét từng bộ phận một.
Quá trình khám phá này được gọi là “học tổng thể” (global learning).
Học tổng thể được coi là một phương pháp có hiệu quả đối với trẻ từ lúc
còn bé đến 6 hoặc 7 tuổi. Trí tuệ của trẻ ở độ tuổi này giống như bọt biển,
chúng hấp thu sự kiện, các đặc tính tự nhiên, và sự phức tạp của ngôn ngữ
một cách vui vẻ và thoải mái. Thêm vào đó, các yếu tố phản hồi tích cực và
sự thúc đẩy của môi trường cũng giúp chúng tạo được những điều kiện học
tập lý tưởng.
Chúng ta hãy chú ý đến những mốc học ban đầu trong cuộc sống của
một đứa trẻ bình thường, khoẻ mạnh. Khả năng của đứa trẻ nay rất giống
khả năng hồi nhỏ của bạn. Đến 1 tuổi bạn tập đi - một quá trình phức tạp cả
về mặt tự nhiên và hệ thần kinh mà không thể dạy nếu không có sự mô
phỏng. Trong quá trình tập đi, có thể rất nhiều lần bạn bị ngã hoặc bị va
mạnh, nhưng không bao giờ cảm thấy thất bại khi bị trượt chân. Tại sao
vậy? Tôi chắc chắn rằng, khi lớn lên, bạn có thể bỏ học một thứ gì đó sau
khi thất bại chỉ một hai lần. Nhưng tại sao bạn lại rất cố gắng khi bạn tập
đi?