thức võ học của thiên hạ.
Đào Kỳ hỏi lại:
– Bố ơi, con biết sử dụng Cửu-chân trượng pháp, Cửu-chân cầm nã thủ và
Cửu-chân kiếm pháp rồi. Có khó gì đâu?
Đào Kỳ nói xong, nó rút kiếm bên cạnh cha ra, làm lễ rồi múa như mây
bay, như gió cuốn. Hết bài, nó làm lễ với cha rồi tra kiếm vào vỏ, ngồi
xuống.
Đào hầu vẫn mơ màng nhìn ra biển:
– Con biết sử dụng kiếm, nhưng dùng nó để làm gì? Giúp ích cho ai?
Đào Kỳ suy nghĩ một lúc, rồi chau mày, miệng muốn nói gì, rồi lại lắc đầu
lộ vẻ không hiểu.
Đào hầu vuốt tóc con:
– Bố có ba con trai, thì con có ngộ tính cao nhất, hy vọng con sẽ là người
thực hiện được cái chí của bố. Cho nên hôm nay bố đưa con lên đây để dạy
cho con bài học quan trọng, đó là chỉ cho con biết sử dụng những gì con
học được.
Ngừng một lát Đào hầu tiếp:
– Chúng ta thuộc dòng giống Bách Việt ở phía Nam núi Ngũ-lĩnh. Tổ tiên
của chúng ta là Lạc-long quân. Lạc-long quân lấy tổ mẫu là Âu-cơ, tương
truyền sinh được một trăm người con. Lạc-long quân phong cho mỗi con
cai trị một vùng, do đó chúng ta có dòng giống Bách-việt. Người con cả
của Lạc-long quân lên làm vua, lập ra họ Hồng-bàng, nước gọi là Văn-lang.
Đào Kỳ gật gật đầu, tỏ ý hiểu biết.
– Trải qua mấy ngàn năm đất nước của người Việt vẫn riêng một phương
trời Nam. Sau vua Hùng thứ 88 vì mải mê rượu chè, bỏ bê chính sự, một
trong các vua giống Bách-việt là Thục Phán đánh lấy nước Văn-lang lập ra
nhà Thục. Vua Thục đặt tên nước là Âu-lạc.
Ghi chú của thuật giả:
Theo cổ sử, thì họ Hồng-bàng làm vua được 18 đời. Nhưng chúng tôi căn
cứ vào một thư tịch khác thì không phải 18 mà 88. Con số 88 hợp lý hơn,
nên trong suốt tất cả các tác phẩm của tôi, tôi dùng con số này. Xin đọc
sang Anh-hùng Lĩnh Nam quyển 4.