biết những điều hệ trọng. Trước khi cho biết, ông gây sự tò mò của con,
hơn là nói thẳng ra. Ông hỏi Kỳ:
– Con đã học được bao nhiêu cuốn sách rồi?
Đào Kỳ chìa bản tay ra tính:
– Đại-học này, Trung-dung này, Luận-ngữ này, Mạnh-tử này. Tứ-thư con
học hết rồi. Ngũ-kinh thì con đã học kinh Thi, Thư, Xuân-thu, còn kinh
Dịch thì đang học. Thầy con bảo tháng sau con sẽ được học Hàn-phi tử.
Đào hầu hướng mặt nhìn ra xa:
– Cuộc thế xoay vần, nhà Chu phong cho 800 chư hầu, nay chỉ còn lại một
đất Trung-nguyên, những dân xung quanh đều trở thành Hán. Người Hán
coi các dân tộc khác như thú vật, như man mọi. Họ gọi chúng ta là rợ Việt,
là Nam-man, là rợ Giao-chỉ. Chúng ta có quốc tổ Hùng-vương, mà không
được thờ, phải thờ Hoàng-đế, thờ Chu-công, Văn-vương, lại còn phải thờ
cái gã nhà quê Lưu Bang tức Cao-tổ nhà Tây-hán . Người ta nhân danh là
Hán, có quyền coi chúng ta như trâu, như chó, muốn giết thì giết, muốn bỏ
tù thì bỏ. Tại sao chúng ta lại phải cúi đầu chịu nhục như vậy?
Đào Kỳ như thức tỉnh, nhìn vào chân trời xa xa:
– Vì người Hán có gươm, có đao, có sức mạnh. Vì người Hán đông, người
Việt ít.
Đào hầu gật đầu:
– Chúng ta cũng có gươm, có đao, có sức mạnh. Nhưng chúng ta thiếu hai
thứ: một là sự hợp quần, hai là lòng can đảm. Nếu chúng ta được hai thứ đó
thì có thể đuổi người Hán ra khỏi đất nước này. Bởi vậy hôm nay bố đưa
con lên đây, để dạy con mấy bài học.
Đứa trẻ mở to mắt reo lên:
– Bố ơi, con đã học xong bộ Cửu-chân trượng pháp rồi. Hôm nay bố dạy
con Cửu-chân chưởng pháp đi bố.
Đào hầu lắc đầu:
– Võ thì lúc nào học chẳng được. Con đã 13 tuổi rồi, bố phải dạy con bài
học quan trọng hơn. Nếu không có bài học này thì dù con có đọc hàng
nghìn cuốn sách, có học hết các võ công trong thiên hạ cũng vô ích mà thôi.
Đó là bài học để biết sử dụng những kiến thức trong sách vở, những chiêu