dài 4 dậm, rộng 2 dậm. Từ đây ra đảo khoảng 150 trượng. Trên đảo có đền
thờ Mỵ Châu. Bãi biển Nghi-sơn có nhiều ngọc trai. Phía tây núi Biện-sơn
có một giếng nước tên là Ngọc-tỉnh, nghĩa là giếng ngọc. Đem nước giếng
ấy rửa ngọc trai, thì ngọc sáng và đẹp lắm.
Đào-hầu ngạc nhiên hỏi:
– Ai đã dẫn con đi chơi đảo Nghi-sơn?
Đứa trẻ cười nắc nẻ, giật tay cha:
– Thưa bố, anh Nghi-sơn.
Đào-hầu gật đầu, trầm tư nhìn những lớp sóng từ biển cuốn vào bờ, thở dài.
Đào-hầu tên thực là Đào Thế-Kiệt. Ông có ba con trai, con lớn là Đào
Nghi-Sơn, con thứ là Đào Biện-Sơn, đều đã trưởng thành. Con thứ ba là
Đào Kỳ, tức đứa trẻ này, mới 13 tuổi. Ông thấy Kỳ còn nhỏ, nên chưa cho
biết những điều hệ trọng của đất nước, vì vậy trên bãi biển, nghe con đặt
câu hỏi có liên quan đến đại vận dân tộc, ông không trả lời.
Ông hiện là một trong chín Lạc-hầu ở vùng Cửu-chân. Tổ tiên ông nguyên
là tướng của Thục An-dương vương. Khi An-dương vương bị Triệu Đà cất
quân sang đánh, bị thua trận, chạy đến đây thì khám phá ra con gái là Mỵ-
Châu vì ngây thơ dại dột trong tình yêu mà làm mất nước.
Ngài giết con gái để tạ tội với thiên hạ rồi nói với các tướng sĩ rằng:
– Ta vì sinh con, không biết dạy, đến nổi làm hư việc nước. Ta không còn
mặt mũi nào nhìn các quan, nhìn quốc dân nữa. Ta nguyện lấy cái chết để
tự xử mình. Sau khi ta chết rồi, các người hãy chịu nhục, ẩn nhẫn theo
gương Câu Tiễn nằm gai nếm mật, giúp người già, dạy trẻ thơ, để mai này
khôi phục lại giang sơn.
Nói rồi An-dương vương nhảy xuống biển tự tử. Trong các tướng hồi đó có
tổ tiên của Đào hầu. Ông cùng binh sĩ khai phá đất hoang, đốt rừng làm rẫy,
lập ra Đào trang, đến nay đã bảy đời.
Trước khi tổ tiên ông tới đây thì vùng này dân chúng phiêu bạt, sống rải rác
khắp nơi. Tổ tiên của ông cùng tám vị tướng khác chia nhau mỗi người một
vùng, tụ tập dân chúng lại, dạy cho họ trồng cây, chăn nuôi. Lại giúp họ cất
nhà, đóng thuyền, làm lưới đánh cá. Dân chúng cảm phục tôn chín người
thành chín vị Lạc-hầu.