Việt, khắp nơi cúi đầu tuân phục. Còn Nguyễn Trát, chưởng môn phái
Long-biên kiến thức uyên bác, lòng dạ quảng đại. Chỉ gặp ta một lần, đưa
ta về trang, đãi như thượng khách, không nghi ngờ gì cả. Người như vậy
thực hiếm có.
Thông thường, cứ trời sắp tối, Nguyễn Trát tập trung các đệ tử lại giảng võ
đường để giảng dạy. Đào Kỳ là người khác phái, nên chàng tránh xa. Hôm
ấy chàng hơi mệt nên về phòng ngủ trước. Một lát sau, chàng tỉnh dậy, khi
nhìn sang giảng võ đường thấy còn đèn sáng. Chàng rón rén lại gần ghé
mắt nhìn vào, thấy Nguyễn Trát đang bảo Nguyễn Anh:
– Để hiểu rõ Âu Lạc hơn, bây giờ con giả làm La Quý cầm côn đấu với
Phương Dung. Đến chỗ nào Âu Lạc nhắc Phương Dung thì cho ta biết.
Đào Kỳ giật mình vì họ đang tìm hiểu chàng. Nguyễn Anh cầm côn hướng
về phía cha làm lễ, đứng chờ đợi. Phương Dung cũng rút kiếm hành lễ rồi
đứng chờ. Nguyễn Trát quát lên:
– Xuất chiêu!
Nguyễn Anh diễn lại những chiêu của La Quý không sai một chút. Sau bảy
chiêu, chàng dồn Phương Dung vào góc. Chàng ngừng lại nói:
– Đến đây thì Âu Lạc nhắc Phương Dung Tam hư, thất thực.
Rồi chàng ra chiêu như La Quý, còn Phương Dung chiêu kiếm hư hư, thực
thực ước khoảng mười chiêu nữa, Nguyễn Anh nói:
– Đến đây, Âu Lạc nhắc Phương Dung Thất hư, thất thực.
Phương Dung đổi kiếm pháp. Được vài chiêu nữa, cả hai cùng ngừng lại,
bái tổ rồi cất vũ khí vào giá.
Nguyễn Trát thở dài:
– Phương Dung sử dụng kiếm rất đúng quy củ. Nhưng giữa hai chiêu Xuân
đáo hoa khai và Xuân khứ hoa lạc có khoảng trống lớn. Âu Lạc đã nhắc
Tam hư, thất thực chính là yếu quyết trấn môn của phái Long Biên. Về sau
y nhắc Thất hư, thất thực cũng là một yếu quyết đó. Như vậy, y thông thạo
hết 72 chiêu kiếm trấn môn và nội công của bản môn.
Phương Dung hỏi:
– Bố ơi, thế tại sao bố không truyền thuật đó cho chúng con?
Nguyễn Trát nói: