kiếm pháp của lão, Hoàng sư đệ ắt không thể chống nổi con nhỏ này.
Càng đấu, Phương Dung càng thu được nhiều kinh nghiệm. Kiếm chiêu của
nàng đã thuần phục hơn. Hoàng Đức Tiết vừa ra chiêu, vừa nhảy nhót, hò
hét; còn nàng, thuỷ chung tay trái bắt quyết, tay phải xuất chiêu, ung dung
nhàn nhã. Trận đấu như vậy, rõ ràng đã phân thắng bại.
Bất thình lình Đức Tiết quát lên một tiếng, xả ba chiêu véo, véo, véo liên
tiếp vào vai trái Phương Dung. Phương Dung không dám đỡ, nàng nhảy lui
lại ba bước, rồi đẩy xéo lưỡi kiếm từ dưới lên trên. Hoàng Đức Tiết kêu lên
một tiếng ái chà, kiếm rơi xuống đất đánh choang một cái. Cổ tay và vai y
máu tuôn ra xối xả, trong lúc Phương Dung đã tra kiếm vào vỏ hỏi:
– Hoàng tiền bối! Người đã chịu thua chưa?
Hoàng Đức Tiết lùi lại cho một đệ tử băng bó vết thương. Mai Huyền
Sương tiến lên hỏi:
– Tiểu cô nương! Cô nương danh tính là gì? Cô nương đã học kiếm pháp ảo
diệu bản môn của ai?
Phương Dung chỉ vào Nguyễn Trát:
– Tôi là Phương Dung! Căn bản kiếm pháp bản môn của tôi do bố tôi
truyền thụ. Sau tôi được một người lớn dạy dỗ cho tôi 72 chiêu kiếm và
cách biến hoá. Người lớn dạy tôi, vì một lẽ riêng, không muốn hiện lộ thân
thế.
Câu nói của Phương Dung ám chỉ Đào Kỳ là người lớn tuổi hơn nàng.
Nhưng đối với Mai Huyền Sương,không phải Nguyễn Trát, thì là Nguyễn
Phan. Họ cùng nghĩ rằng Nguyễn Phan ẩn nấp đâu đó, bí mật truyền kiếm
pháp trấn môn cho nàng.
Lê Nghĩa Nam nói:
– Đã vậy, ta xin lĩnh giáo cô nương mấy chiêu.
Nói rồi y rút kiếm từ từ đưa ra trước, khoanh tay như bái tổ. Đó là chiêu
kiếm của phái Long-biên dùng để chào khách trước khi giao đấu. Phương
Dung cũng rút kiếm, ra cùng một chiêu. Nhưng nàng rút kiếm sau, mà tới
trước, rồi thuận tay kéo thành một chiêu vòng cầu. Nghĩa Nam cũng đã
phản công. Hai người dùng cùng một thứ kiếm pháp của môn hộ, nên người
ngoài chỉ còn thấy hai quả cầu bạc. Họ không phân biệt được đâu là