giặc Ân như Phù-đổng Thiên-vương cũng là anh hùng. Anh hùng là anh
hùng, chứ không hề có tiểu anh hùng.
Thiều Hoa thấy mình đấu khẩu với cậu tiểu sư đệ thì chỉ có nước thua.
Muôn ngàn lần nàng không phải là đối thủ của y, nên làm mặt giận, không
nói năng gì nữa. Sống bên Đào Kỳ từ bé, Thiều Hoa biết tính cậu tiểu sư đệ
ưa phá, ưa đùa, nhưng mỗi lần như vậy nàng tỏ ra giận dỗi, thì y ngưng lại
liền. Hôm nay Đào Kỳ dồn Thiều hoa vào chỗ bí, nàng lại dở chiêu thức cũ
ra. Quả nhiên Đào Kỳ không dám đùa nữa, nó trả lời Phạm Bách:
– Thưa sư bá, nếu cháu là Cao tướng quân thì cháu nhận lời đầu hàng. Khi
đầu hàng rồi, sẽ tìm cách khôi phục giang sơn, hơn là tử chiến vô ích.
Phạm Bách ngâm se sẽ:
Anh hùng như thể khúc lươn,
Khi cuộn thì ngắn, khi vươn thì dài.
Cháu quả thật xứng đáng con cháu họ Đào. Nhưng Đại tướng quân Cao Nỗ
lại hành động như Thiều Hoa. Ông giết chết sứ giả, hẹn ngày hôm sau
quyết chiến. Sáng hôm sau ông dẫn trên 50 đệ tử dàn trận, đấu với ba vạn
quân của Triệu Đà. Hầu cỡi ngựa tiến lên trước trận nói:
– Triệu vương! Hôm nay nước Âu-lạc của tôi đã cùng rồi. Chúng tôi liều
một trận tử chiến mà thôi. Không biết bên Triệu có ai đủ can đảm đấu với
tôi không? Hay là dùng đông người để ăn hiếp ít người?
Triệu Đà bị khích, y nói:
– Tướng quân muốn đấu gì? Gươm, đao, hay quyền cước?
Cao Nỗ nói:
– Tôi muốn đấu cung tên. Tôi một cung, chín mũi tên. Bên Triệu cử một
tướng cũng một cung, chín mũi tên. Nếu tôi bại, thì xin cúi đầu cắp gươm
theo hầu Đại-vương. Còn nếu bên Triệu bại, thì xin Đại-vương lui quân 100
dậm, sau mười ngày tái đấu.
Bên Triệu, đại tướng Triệu Thắng là một trong những thần tiễn. Y nghe
Triệu Đà hàng ngày khen tài thiện xạ của Cao Nỗ mà bực tức trong lòng.
Nhân dịp này, y muốn đấu với Cao Nỗ, liền vọt ngựa ra trước trận:
– Ta muốn cùng Cao tướng quân đấu trận này.
Y cởi gươm, cầm cung với chín mũi tên đứng đối diện.