rõ võ công của người tỷ phu. Trước đây tại Luy-lâu, chàng có đối chưởng
với Nghiêm, nhưng chưa biết bản lĩnh chân thực của Nghiêm ra sao. Chàng
thấy võ công Nghiêm trội hơn Phong-châu song quái nhiều, ngang hàng với
Đức-Hiệp chứ không phải tầm thường.
Nghiêm Sơn phát chiêu khoan thai thái độ ung dung nhàn nhã, tiến thoái có
thứ lớp. Qua mươi hiệp, Chính-Hòa bị đuối sức, chỉ còn chống đỡ mà thôi.
Y lùi dần. Thình lình, y phóng ra một chưởng quái dị. Nghiêm Sơn vội
nhảy lùi lại tránh. Y thò tay vào bọc rút ra một vật tròn to bằng nắm tay.
Đào Kỳ nhận ra đó là trái hỏa lựu của Lê Đạo Sinh, vội kêu lớn lên :
– Nghiêm đại ca ! Cẩn thận đấy.
Nghiêm Sơn nhấp nhô một cái đã đến bên Phùng Chính-Hòa, chụp tay y, bẻ
đến "rắc" một cái, đã lấy được trái hỏa lựu, thuận thế, chàng đá y ngã úp
sấp xuống đất.
Chàng hô lớn :
– Phùng Chính-Hòa đã đền tội các đệ tử Bắc-đái mau đầu hàng, nếu không
ta sẽ giết không còn một mạng.
Đám đệ tử buông vũ khí. Tường-Loan cho lệnh binh sĩ Ngọc-đường trói lại,
vì sợ chúng phản phúc.
Vĩnh-Hoa nói với Trưng Nhị :
– Em nghĩ, có lẽ Lê Đạo-Sinh không trở lại đâu. Nếu y trở lại, đã đổ bộ rồi.
Vậy chúng ta cho thu quân thôi.
Trưng Nhị thấy Vĩnh-Hoa có lý, bèn ra hiệu nổi trống, bắn tên lửa thu quân.
Phương-Dung nói với Nghiêm Sơn :
– Bây giờ phải lấy khẩu cung Phùng Chính-Hòa về việc y tạo phản. Có ba
vấn đề đặt ra : Y cùng đường, bị đẩy vào thế tạo phản ? Do Lê Đạo-Sinh
chủ trương hay do chính Tô Định chủ trương ?
Nghiêm Sơn đồng ý :
– Lấy khẩu cung một tên lưu manh phải có người trí tuệ sáng suốt. Vậy sư
muội cùng với Hồ Đề hỏi cung, y mới nói thực.
Nói rồi Nghiêm Sơn cười khúc khích, bước vào hội trường, vì chàng biết
Phương-Dung tinh nghịch, trong khi Hồ Đề có nhiều con thú, có thể dùng
để tra khảo. Chỉ hai thiếu nữ ngỗ nghịch này mới đấu lại Phùng Chính-Hòa.