vậy lúc điều quân, Phương-Dung tự coi mình là con dâu nhà họ Đào. Trong
cách xưng hô, nàng gọi Đào hầu bằng bố, Đào phu nhân bằng mẹ. Nàng gọi
Nghiêm Sơn là tỷ phu.
Khất đại phu hướng vào Nguyễn Trát :
– Cối giang hầu, đúng ra phải đủ Ngũ lễ theo bậc của kẻ sĩ, để người quân
tử Đào Kỳ cầu hôn cùng thục nữ Phương-Dung. Ngặt vì chúng ta đang ở
hoàn cảnh cần kíp, nếu đòi hỏi Ngũ lễ e lâu quá. Lão phu dám xin hầu đại
xá cho. Mai này về Bắc, lão phu sẽ thân đến Cối-giang tạ lỗi với phu nhân
về việc này. Chẳng hay Cối-giang hầu tính thế nào ?
Nguyễn Trát là người không câu nệ lễ nghi, ông thấy Khất đại phu là người
bề trên của mình nói vậy, vội đứng dậy, vòng tay thưa :
– Khất đại phu, Nam-hải nữ hiệp và Đào hầu cùng phu nhân đã thương đến
cháu Dung, quý vị dạy sao, chúng tôi xin nghe làm vậy.
Trong đám ngang hàng với Đào Kỳ có Hồ Đề là người có tính hào sảng
như nam nhi, nàng vỗ tay nói :
– Đào tam đệ, chị có mấy lời khuyên, chẳng hay tam đệ có chịu nghe
không ?
Đào Kỳ gật đầu :
– Xin chị cứ dạy.
Hồ Đề vẫy tay :
– Dạy Tam đệ thì chị không dám, nhưng chị muốn Tam đệ hứa mấy điều
trước khi lấy vợ, thế thôi. Điều thứ nhất, Tam đệ đã cưới Phương-Dung làm
vợ, kể từ nay không được mơ tưởng tới cô Tường-Quy, cháu ngoại Lê Đạo-
Sinh nữa. Tường-Quy so với Phương-Dung khác xa lắm. Phương-Dung đẹp
hơn, võ công cao cường gấp bội. Bàn về gia thế, gia đình Cối-giang hầu
hào hiệp, thông minh, tín nghĩa, thiên hạ đều phục. Còn gia thế Tường-Quy
thì cha làm Hán gian cho giặc, chồng là một tên Hán ngu dốt, văn không
thông, võ không thạo. Tam đệ có hứa với ta không ?
Đào Kỳ bị Hồ Đề nói huỵch tẹt tâm sự ra trước mặt mọi người khiến chàng
xấu hổ, không dám nhìn lên. Chàng chỉ khẽ gật đầu.
Hồ Đề không chịu :
– Công lực Tam đệ cao thâm không biết đâu mà lường, sao lại gật đầu yếu