Q1 - ANH HÙNG LĨNH NAM - Trang 77

Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Q1 - Anh Hùng Lĩnh Nam

Hồi 4

Tình trong như đã, mặt ngoài còn e

(Kiều)

Sau đêm kinh hoàng ở đền thờ Cao Nỗ, đoàn người lại tiếp tục lên đường.
Phạm Bách chỉ những phong cảnh, những suối, những đèo, những hang đầy
hoa thơm cỏ lạ cho Thiều Hoa. Nhưng trong lòng nàng như mơ như tỉnh,
đâu có biết ngoại vật là gì.
Đến địa phận núi Tam-thai, Phạm Bách nói:
– Tại đây có đền thờ vua Hùng-vương, trong đền có cái trống đồng bằng ba
người ôm. Trống này là lễ vật của Sơn Tinh dâng cho vua để cầu hôn với
công chúa Mỵ Nương, nay vẫn còn nguyên. Chúng ta vào đó nghỉ ngơi và
lễ tổ.
Ghi chú của thuật giả:
Trống đồng này hồi trước 1950 vẫn còn tại núi Tam-thai, trong vùng núi
Lam-sơn, Thanh-hoá. Đi từ thị xã Thanh-hoá về phía Tây Bắc 38 km gặp
sông Mã, vượt bến Kiều sang đất Vĩnh-lộc. Gần bến Kiều có núi Xuân-đài,
động Hồ-công, trong có nhiều nhũ đá, hang đá, tượng đá rất đẹp. Trong
hang có khắc thơ Lê Thánh-tông và các danh sĩ đời xưa. Kế đến là Đan-nê,
nằm cạnh núi Tam-thai. Trên núi có miếu Đồng-cổ. Trong miếu còn di tích
cái trống đồng. Mặt trống đường kính 1,10 m, cao 0,50 m (Hồi thơ ấu, 8
tuổi, tôi được dẫn qua đây, ước lượng kích thước). Trên mặt trống có chín
vòng tròn, giữa trống có rốn, lưng trống có khắc nhiều chữ, nhưng đã mờ,
đọc không rõ. Tương truyền trống là di vật của thánh Tản-viên dâng vua
Hùng làm sính lễ cầu hôn công chúa Mỵ Nương. Đây là những tài liệu ghi
được của trường Viễn-đông Bác-cổ trước 1954. Không biết cho đến nay,
biết bao tang thương đã qua, miếu và trống có còn hay không?
Đoàn người tiến vào đền. Trịnh Quang đã chập chững đi được. Phạm Bách
chỉ tượng vua Hùng ngồi trên ngai nói:
– Đây là tượng Lạc Long quân.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.