vương phi nếu nói ôn nhu, văn nhã cũng có vẽ ôn nhu, văn nhã. Nếu nói có
vẻ thanh tao yểu điệu thì cũng có vẽ thanh tao, yểu điệu. Nhưng điều khó
kiếm là sắc diện tươi hồng của người tập võ. Hiếm có nữ lưu nào lại vẹn
toàn như vương phi.
Thiều-Hoa càng ngạc nhiên, khi bà gọi hoàng đế bằng tiếng trống trơn
Quang-vũ. Thiên tử cùng Lĩnh-nam vương bà mặc nhiên coi như người
dưới. Vậy mà với nàng bà vẫn một điều gọi là vương phi.
Nghiêm Sơn tỉ tê tường thuật tất cả những gì xảy ra xung quanh vương. Bà
chăm chú nghe, thỉnh thoảng hỏi thêm chi tiết. Cuối cùng căn dặn chàng :
– Con cố gắng giúp Quang-vũ. Nó là anh em kết nghĩa với con. Nó làm
hoàng đế Trung-nguyên, con làm vua Lĩnh-nam, má má chỉ mong hai đứa
thi ân bố đức cho thiên hạ, là má má mát lòng.
Bà lại thăm hỏi Thiều-Hoa từng li, từng tí. Bà đứng lên bưng ra cái hộp nhỏ
thiếp vàng, rồi mở nắp. Bên trong, có một chiếc vòng ngọc đỏ như máu và
một chuỗi hạt trai. Bà cầm hai chiếc vòng ngọc đeo vào hai tay Thiều-Hoa
và đem chuỗi hạt trai choàng cổ nàng. Nàng thấy bà đầm ấm, dáng điệu ôn
nhu, yểu điệu kỳ lạ. Nàng tự nghĩ : Không biết sao nhũ mẫu của Nghiêm
Sơn lại có những thứ trân bảo nhất thế gian này? Bà đeo vào người tặng ta,
cũng chẳng cần hỏi xem ta có thuận hay không. Thật kỳ lạ.
Bà bước lui ngắm nhìn Thiều-Hoa rồi nói :
– Hai chiếc vòng và chuỗi ngọc là kỷ vật của Tiên vương đã tặng má má,
bây giờ má má cho con.
Thiều-Hoa ngắm cặp vòng, trên có khắc chữ "Chính-hòa tam niên". Nàng
giật mình, vì Chính-hòa là niên hiệu Vũ-đế nhà Tây-hán. Kể từ năm Chính-
hòa thứ ba đến bây giờ vừa đúng 135 năm !
Trọn đêm đó, Nghiêm Sơn và Thiều-Hoa lưu lại trang Nhạn-sơn. Nhũ mẫu
mang đàn ra tấu hơn chục nhạc khúc. Thiều-Hoa học văn, học võ đều giỏi,
nhưng nàng không có kiến thức nhiều về âm nhạc. Nghe bà tấu hơn 10
khúc nàng chỉ nhận ra có khúc Phượng cầu kỳ hoàng của Tư-mã Tương
Như, khúc Dương xuân bạch tuyết của Tiêu Sử và khúc Ly-tao của Khuất
Nguyên.
Đêm ấy, khi vào trướng với chồng, nàng đem những thắc mắc ra hỏi