không đọc sách nàng thường nhớ lại trang Thiên trường, nhớ đến khuôn
mặt từ ái của sư mẫu, đến khuôn mặt cương quyết, hiền hòa của sư phụ.
Nàng nghĩ :
– Ta cứ học võ, đọc binh thư, đợi khi về Giao-chỉ thăm sư phụ, sư mẫu chắc
người sẽ vui sướng khi thấy ta học được nhiều học thuật quý báu của thế
gian. Nàng lại tự hỏi : Tại sao Phương-Dung, Đào Kỳ lại tử tế với mình
như vậy ? Bâng khuâng mãi nàng mới tìm ra, hai người thương nàng chẳng
qua nàng có bản lĩnh thủy tính hơn đời, chẳng qua hai người với nàng cùng
mưu phục hồi Lĩnh-nam mà thôi. Phương-Dung giảng muốn thắng giặc,
phải tự biết mình, biết giặc. Nàng tự hỏi : Biết mình là biết Giao-long nữ,
biết giặc là biết tướng chỉ huy thủy quân của giặc. Ừ nhưng nàng đã biết
Đô đốc giặc là ai đâu ? A phải rồi biết mình là biết sông ngòi, nước thủy
triều lên xuống giờ nào. Tại mỗi con sông, nước sâu hay cạn, chỗ nào nước
xoáy, và biết khả năng thủy thủ. Nhưng mình đã có thủy quân đâu ? Còn
biết người là biết thủy quân địch. Thủy quân Hán dùng toàn chiến thuyền to
lớn, vậy mình phải có chiến thuyền lớn hơn thuyền địch để chiếm ưu thế.
Nhưng đóng thuyền lớn thì tốn tiền và lại khó vào sông nhỏ. Vậy mình thay
vì đóng thuyền lớn, thì đóng thật nhiều thuyền nhỏ khoảng ba bốn người
chèo, từ sông lạch nhỏ đổ ra thuyền lớn mà đánh hoặc đốt cháy bằng cỏ,
hoặc đục thủng thuyền địch. Thắng rồi cướp lấy thuyền lớn của giặc. Còn
như thua thì chèo chạy vào lạch, ngòi nhỏ sợ gì ? Ừ được, ta làm như vậy
thì xong.
Dọc đường, đi qua các sông ngòi có thuyền của người Hán, nàng nghĩ :
Không biết thuyền của Hán có gì hơn thuyền Giao-chỉ không ? Nếu họ có
gì hơn mình thì phải bắt chước mới được. Để ý quan sát, quả nhiên nàng
thấy đến 5, 6 kiểu thuyền Hán khác xa thuyền Việt, nàng lấy bút cặm cụi vẽ
kiểu và ghi chú chi tiết bên cạnh.
Chiều hôm ấy, ba người tới Độ-khẩu, dân vùng này lẫn lộn người Việt,
người Hán. Họ phục sức hơi khác người Giao-chỉ, giọng nói nặng như
giọng Cửu-chân. Phương-Dung chỉ địa thế nói :
– Kìa ba con sông Kim-long, Nhã-long giang, Đinh-hà gặp nhau, chia làm
bốn ngả, nước chảy xiết gần như thác cuộn. Bên này thuộc Hán, bên kia