binh đến thu nạp, chứ ít khi phải đi lính trơn “Bò binh” như thế này. Tôi
tranh thủ lên thăm gia đình cô An ở Nông trường Tam Đảo một ngày.
Những ngày còn lại lo mua sắm vài vật dụng cần thiết, và cùng gia đình đi
chụp ảnh kỷ niệm. Những bức ảnh chụp đại gia đình hồi đó, gồm bố mẹ tôi,
hai em Hà, Hiển cùng bà nội, bà ngoại vẫn còn đến ngày nay. Nhìn nét mặt
người nào cũng đượm vẻ lo âu và buồn rười rượi. Buổi sáng ngày 27-04-
1972 cả gia đình đưa tiễn tôi đến nơi tập trung tại xã Tây Tựu, ngoại thành
Hà Nội. Đến nơi đã thấy rất đông người.
Cùng lớp tôi có các bạn Chí Thành, Lê Thanh Bình, Phổ Thọ. Bạn
Tiến Dũng chạy theo chúng tôi suốt, và rất muốn đi cùng cho vui, nhưng
bạn ấy không có giấy gọi mà cũng không có tên trong danh sách. Sau này
tôi nghĩ chắc người họ hàng làm trên Khu đội đã ỉm giấy của bạn ấy đi.
Nhà tôi gần nhà Quang Vinh nên mẹ bạn ấy bắt hai đứa phải khoác chặt tay
nhau để “cùng đi cùng ở”. Tôi còn nhận ra một số khuôn mặt quen thuộc
hoặc ở cùng Khu tập thể như Mai Quý Cường, Dũng “Patinhom”, Vân số 6,
Bình “Cống”, Châm “thối tai”, Ngô Duy Minh, Bùi Ngọc Toàn 10A….
Có một tay đeo xắc-cốt lụng thụng, đi lại bắng nhắng, làm bộ phỏng
vấn mọi người, nói nhiều câu đao to búa lớn, có biệt danh là Nhuận “nhà
báo”. Không ngờ sau này hắn là một trong những tên đảo ngũ đầu tiên. Sau
khi nhận quân trang gồm quần áo, mũ dép, chăn màn, bi-đông… tôi được
phân về Tiểu đội 3, Trung đội 1, C49, D58, E59 Bộ Tư lệnh Thủ đô. Tiểu
đội trưởng Thành 19 tuổi, nhập ngũ trước chúng tôi một năm, mới đi học A
trưởng về, mặc bộ quân phục bạc phếch, hay cười khoe chiếc răng khểnh,
và tỏ ra rất thân thiện với tôi. Buổi tối đầu tiên trong đời bộ đội, toàn Trung
đội tập hợp ở sân đình, nghe Quyền Trung đội trưởng Nghĩa huấn thị. Anh
Nghĩa 23 tuổi, là người vui tính thích thơ ca hò vè, nhưng cũng rất nghiêm,
làm chúng tôi nể sợ răm rắp. Anh bắt nhịp cho chúng tôi đồng ca bài “Vì
nhân dân quên mình”, rồi đọc một bài vè rất ngộ về lính mới ở Bãi Nai,
Hòa Bình làm mọi người cười vui vẻ. Tôi được chỉ định làm A phó A3.