nhổ được cọc, phải chạy về kêu anh Thanh ra giúp, cũng chẳng ăn thua. Đã
trưa rồi, chúng tôi đành phải bỏ, định đến chiều sẽ vào làng 9 tìm kiếm tiếp.
Ông Khuông mang đến cho mỗi đứa một phong lương khô Mặt trận
B5 tặng. Anh Thanh có vẻ không thích ông Khuông lắm, có lẽ ông ấy cũng
lắm điều thật. Bỗng nghe phía Tám Cát, nơi địch đóng, rộ lên từng tràng
súng đại liên. Rồi thấy hai chiếc xuồng máy, có mấy tên lính mặc áo phao
mầu da cam ngồi trên, lướt đi lướt lại ngoài biển. Vừa lướt chúng vừa xả
súng vào những đám gì đen đen đang trôi ngoài đó. Về sau mới biết đó là
những bao gạo của ta thả trôi trên biển, để tiếp tế cho những vùng khó khăn
mà hậu cần trên bộ không vào được. Chiếc tàu Hồng Kỳ của Trung Quốc
đậu ở ngoài khơi Vĩnh Linh đã thả 10 nghìn tấn gạo xuống biển như vậy.
Những bao gạo bị địch bắn thủng sẽ ngấm nước, thối hoắc. Nhưng chúng
cũng không thể phá hủy được hết các bao gạo. Thật khó mà hình dung nổi
hình ảnh hàng nghìn bao ni-lông chứa hàng vạn tấn gạo được thả trôi trên
biển. Nhưng cứ mười bao thì may ra mới có một bao dạt vào bờ và quân ta
lượm được.... Buổi chiều cả tiểu đội tôi đi vào làng 9, thấy mấy cái hầm của
C14 và D47 tùm hụp như những quả đồi con. Chỗ này bị pháo kích thường
xuyên. Cát trên đường chúng tôi đi cháy xém từng đoạn, chứng tỏ đạn mới
nổ. Những cành thông và lá dứa dại bị phạt đứt nằm rải rác trên mặt đất. Cả
bọn cắm cổ đi thật nhanh vì bất cứ lúc nào đạn pháo cũng có thể rơi xuống.
Có chỗ phải lội, nước trong leo lẻo nhìn rõ cả cát trắng dưới đáy, nhưng tôi
vẫn ngại vì vết sầy chân từ Quán Ngang còn chưa khỏi. Mấy hôm nay lội
nước liên tục khiến nó bợt trắng ra. Mấy cậu lính của đơn vị nào đó cũng
đang đi lảng vảng như chúng tôi. Nhiều ngôi nhà gỗ đã bay mất, để lại đủ
thứ ngổn ngang trên nền nhà: thùng chậu, nồi niêu, quần áo các màu, lưới
đánh cá... Thấy dưới mấy cái hố có nhiều ống đạn B40 và cối 60, anh
Thanh nháy mắt. Tôi bèn nhảy xuống dùng dao găm của Bích lột lấy vỏ
nhựa để tối về đốt đèn và nấu ăn. Cả bọn kiếm được mấy tấm tôn, một bao
khoai khô và một ống mắm tép biển.